Ngày pháp luật

Techcombank (TCB) huy động vốn các ngân hàng quốc tế lên tới gần 1 tỷ USD

Hà Linh

26 ngân hàng quốc tế sẽ tham gia cho vay giao dịch hợp vốn lên tới 1 tỷ USD (tương đương hơn 23 nghìn tỷ đồng) cho Techcombank.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt NamTechcombank (Mã CK: TCB) đã công bố việc huy động thành công khoản vay hợp vốn khổng lồ, có thể nói là lớn nhất trong định chế tài chính Việt Nam trên thị trường hợp vốn quốc tế. Khoản vay lên tới 1 tỷ USD, tương đương hơn 23 nghìn tỷ đồng.

Techcombank (TCB) huy động vốn các ngân hàng quốc tế lên tới gần 1 tỷ USD - Ảnh 1

Ban đầu, khoản vay hợp vốn này được xác định khoảng 700 triệu USD với quyền chọn cấp vốn trước và dự kiến chào bán chọn lọc cho một số nhà đầu tư vào cuối tháng 12 năm 2021 trước khi được công bố công khai vào tháng 2 năm 2022 vừa qua. Tuy nhiên sau đó Techcombank đã nâng giá trị khoản vay lên mức 1 tỷ USD với 3 kỳ hạn là 3,4 và 5 năm.

Đây sẽ là khoản vay hợp vốn của 26 ngân hàng quốc tế, có trụ sở đặt tại nhiều nước bao gồm: Ấn Độ, Anh, Indonesia, Đài Loan, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Trung Quốc, Úc. Lãi suất của khoản vay bằng SOFR (Lãi suất tham chiếu) cộng với biên độ 140 điểm đối với kỳ hạn 3 năm, 155 điểm cho kỳ hạn 4 năm và 170 điểm cho kỳ hạn 5 năm.

Về kế hoạch sử dụng nguồn vốn huy động này, Techcombank dự kiến đây sẽ là nguồn lực để ngân hàng đáp ứng nguồn vốn vay trung dài hạn của khách hàng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Khoản tín dụng khổng lồ này của Techcombank được bảo lãnh bởi ngân hàng đầu mối Standard Chartered Bank và United Overseas Bank Limited. Các ngân hàng khác tham gia với vai trò thu xếp, bảo lãnh và dựng sổ chính bao gồm: The Hongkong and Shanghai Banking Corporation Limited, Australia and New Zealand Banking Group Limited và Sumitomo Mitsui Banking Corporation.

Các ngân hàng còn lại gồm P.T. Bank Negara Indonesia (Persero) Tbk, CTBC Bank Co., Ltd., State Bank of India và Taipei Fubon Commercial Bank Co., Ltd chỉ đóng vai trò thu xếp và dựng sổ chính của khoản vay.

Đây là lần thứ 3 Techcombank đứng ra vay vốn nước ngoài. Khoản vay đầu tiên trị giá 500 triệu USD được tiến hành vào năm 2020, khoản vay thứ hai trị giá 800 triệu USD được thực hiện trong năm 2021. Và cuối cùng là khoản vay trị giá 1 tỷ USD trong năm 2022.

Trong năm 2022, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021. Trong những năm trước đó, Techcombank liên tục đạt lợi nhuận ròng hàng nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận ròng năm 2019 ghi nhận 10,3 nghìn tỷ, tăng lên 12,3 nghìn tỷ trong năm 2020 và đạt đỉnh 18 nghìn tỷ trong năm 2021 bất chấp các khó khăn về kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.

Techcombank (TCB) huy động vốn các ngân hàng quốc tế lên tới gần 1 tỷ USD - Ảnh 2

Tuy đạt mức lợi nhuận “khủng” nhưng Techcombank vẫn trình phương án không chia cổ tức cho các cổ đông. Theo phương án này thì sau khi trích lập các quỹ, nguồn lợi nhuận chưa phân phối luỹ kế của Techcombank lên tới 40.000 tỷ đồng. Dù vậy, ban lãnh đạo Techcombank vẫn tiếp tục xin cổ đông không chia cổ tức mà đưa toàn bộ lợi nhuận này vào bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.

Như vậy, trong suốt 1 thập kỷ, chỉ duy nhất một lần Techcombank chi trả cổ tức cho cổ đông vào năm 2018 trước thềm niêm yết trên sàn HoSE trong khi vẫn liên tục phát hành cổ phiếu ưu đãi ESOP cho nhân viên của mình.

Trong kỳ họp ĐHĐCĐ vừa qua, ban lãnh đạo Techcombank tiếp tục trình phương án phát hành cổ phiếu ESOP với khối lượng 6,3 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cp cho nhân viên của ngân hàng. Trong các năm từ 2018 – 2021, Techcombank cũng liên tục phát hành cổ phiếu ESOP với khối lượng lần lượt là 17 triệu, 3,5 triệu, 4,76 triệu và 6 triệu cổ phiếu cho nhân viên.

Tin Cùng Chuyên Mục