Ngày 5/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết Thủ tướng đã đồng ý về mặt chủ trương cho tăng giá điện và thời điểm điều chỉnh dự kiến là cuối tháng 3 với mức tăng khoảng 8,36%.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết việc tăng giá bán lẻ điện lần này nhằm giúp lành mạnh hoá thị trường điện.
“Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện được thực hiện theo quy định tại Quyết định 24 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đảm bảo nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, Bộ Công Thương trước đó đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng các phương án giá điện năm 2019 theo các thông số đầu vào để tính toán giá điện và phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo theo quy định.
Các phương án giá điện đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét theo quy định và cũng đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thường trực Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đánh giá tác động của việc tăng giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Về con số điều chỉnh tăng 8,36%, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay, phương án giá điện năm 2019 được xây dựng theo các thông số đầu vào gồm cơ cấu nguồn điện huy động, các yếu tố đầu vào của giá điện… trong năm 2019 để tính toán giá điện và phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo theo quy định.
“Riêng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định 28 của Thủ tướng. Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/ tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng”, ông Tuấn cho biết.
Vẫn theo ông Tuấn, việc điều chỉnh tăng giá điện ở mức 8,36% theo tính toán sẽ làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26% - 0,31%, làm tăng PPI trong khoảng từ 0,15% - 0,19%, làm giảm GDP trong khoảng từ 0,22% - 0,25%.
Theo thống kê, từ 2010 đến nay, Việt Nam có 7 lần tăng giá điện, trong đó lần gần đây nhất là 1/12/2017 với biên độ tăng 7,5%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp đầu năm cũng cho biết giá điện sẽ được điều chỉnh tăng trong 2019. Tuy nhiên, ông Hải khẳng định việc tăng giá phải phù hợp với sản xuất kinh doanh và cho người tiêu dùng.
Ông Hải khẳng định Bộ sẽ xem xét kỹ chi phí phát sinh thực tế việc sản xuất điện trong thời điểm hiện nay và các tồn đọng từ trước đến nay, như việc chênh lệch tỷ giá, kể cả từ những năm 2015-2017, 2018 và nhiều yếu tố khác, để có đề xuất phù hợp nhất với tình hình thực tiễn và đúng chỉ đạo là đưa các mặt hàng thiết yếu vào quy luật thị trường, trong đó có ngành điện.