Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 26.415 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, ngành Y tế quản lý 4.493 cơ sở, ngành Nông nghiệp quản lý 19.632 cơ sở, ngành Công thương quản lý 2.290 cơ sở; số được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 1.354/3.542 cơ sở (chiếm 38,3%). Trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 255 sản phẩm thực phẩm thực hiện tự công bố và công bố chất lượng.
Công tác thanh kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm là hoạt động thường xuyên của ngành y tế, Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong mỗi năm từ cấp tỉnh đến xã phường đã thành lập trên 1.000 đoàn, thanh, kiểm tra, giám sát 2.000 lượt cơ sở thực phẩm. Đối với 6 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, toàn tỉnh thực hiện 268 đoàn kiểm tra được 3.914 cơ sở trong đó có 3.050 cơ sở đạt (chiếm 77,93%), xử phạt 130 cơ sở số tiền 399,834, 000đồng.
Về công tác truyền thông, các ban ngành đã thực hiện tốt các thông điệp truyền thông về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nói riêng, phổ biến đến người dân, từng cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm. Hàng năm, tổ chức nhân bản các băng đĩa, tờ rơi, áp phích tuyên truyền VSATTP phát cho các tuyến huyện, xã, các bếp ăn tập thể và các hội Phụ nữ tỉnh, hội Y tế thôn bản. Trong 5 năm qua đã huy động tổ chức tháng hành động thực hiện từ cấp tỉnh cho cho đến xã phường, hoạt động đã huy động được các cấp chính quyền tham gia, đây là một hoạt động tuyên truyền nhằm phát huy được công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong người dân.
Về giám sát được nguy cơ, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, phát hiện kịp thời các sản phẩm kém chất lượng, công tác test nhanh, gửi kiểm nghiệm được tiến hành trong tất cả các hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. 6 tháng đầu năm 2021, đã thực hiện kiểm nghiệm 3.464 mẫu phát hiện ra 141 mẫu không đảm bảo chất lượng chiếm 4,14%.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường đầy biến động hàng hoá đa dạng phong phú. Mặc dù, được các cơ quan chức năng lên tiếng báo động, nhưng nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm ATTP của một số cơ sở, cá nhân còn hạn chế, vì lợi nhuận bất chấp tất cả. Nhất là việc sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định trong trồng rau quả, dùng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, sử dụng hóa chất phụ gia ngoài danh mục, hay kinh doanh thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ...Nên bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể (vụ ngộ độc bánh mỳ ở huyện Hướng Hóa năm 2013, có 382 người bị ngộ độc, vụ ngộ độc bánh ướt ở huyện Vĩnh Linh năm 2016 có 72 người bị ngộ độc, ngộ độc tiệc cưới ở Triệu Phong năm 2017, ngộ độc rượu chết 01 người cuối năm 2018 huyện Triệu Phong, 6 tháng đầu năm 2021 tại huyện Vĩnh Linh có 01 ca ngộ thực phẩm có 19 người mắc …)
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát ATTP chậm ban hành, sữa đổi liên tục thiếu sự ổn định trong văn bản pháp quy. Hoạt động quản lý không đồng bộ giữa các ngành (Ngành Y tế có cán bộ quản lý đến tuyến xã phường (trạm Y tế), ngành Nông nghiệp và Công Thương chỉ đến tuyến huyện (do cán bộ ở phòng chuyên môn huyện kiêm nhiệm). Nên còn bỏ ngõ quản lý cơ sở tuyến xã phường (tập trung ngành Công Thương và Nông nghiệp).
Trên địa bàn tỉnh, phần lớn các cơ sở sản xuất thực phẩm đều nhỏ lẻ, trình độ của chủ cơ sở, người sản xuất đều chưa cao (phần lớn các chủ cơ sở đều sản xuất, kinh doanh theo kinh nghiệm và truyền thống). Nên việc tiếp nhận và thay đổi hành vi để đảm bảo ATTP rất khó. Đời sống người dân còn thấp, nhận thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn dễ dàng chấp nhận các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng đang gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát hàng trôi nổi
Hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm trong tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu hơn 50% các kiểm nghiệm phải gửi đi tỉnh bạn, chưa kịp thời để phát hiện được vấn đề quan trọng khi cần, xử lý kịp thời. Chi phí cho người dân và cơ quan nhà nước tăng cao khi thực hiện các hoạt động liên quan đến ATTP. Đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm an vệ sinh toàn thực phẩm còn rất hạn chế: kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất lượng ATTP ở mức quá thấp. Công tác xã hội hóa một số khâu dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng ATTP chưa được quan tâm đúng mức, chưa huy động được sự tham gia của các lực lượng trong xã hội, nhất là sự tham gia của các hội, hiệp hội và doanh nghiệp lớn.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt các giải pháp. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm ATTP, khẳng định vai trò của các cấp ủy Đảng, Chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cấp ủy Đảng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo đưa công tác này. Đưa chỉ tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, của các cấp, các ngành và coi đây là các chỉ tiêu phát triển cần được ưu tiên thực hiện. Phát huy tính chủ động của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác bảo đảm ATTP.
Từng bước tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Tăng cường việc giáo dục, phổ biến pháp luật về ATTP cho người dân, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương trong quản lý và thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.
Tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi. Tận dụng tối đa hệ thống thông tin, tuyên truyền sẵn có ở địa phương. Xây dựng chuyên mục “an toàn thực phẩm” trên truyền hình địa phương. Xây dựng và phát triển các kỹ năng truyền thông về ATTP. Sử dụng cách tiếp cận phù hợp với từng đối tượng cụ thể để tuyên truyền, vận động, chú trọng hình thức truyền thông trực tiếp, truyền thông theo nhóm nhỏ.
Xây dựng đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền ATTP, chú trọng phát triển đội ngũ tuyên truyền viên thuộc các đối tượng là người của các tôn giáo khác nhau và những người dân tộc thiểu số. Đào tạo kiến thức chuyên ngành, nội dung tuyên truyền ATTP cho người tham gia công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục ATTP. Nâng cao số lượng, chất lượng các tài liệu và thông điệp truyền thông. Các tài liệu, thông điệp truyền thông cần tập trung vào các nội dung mang tính hướng dẫn, định hướng thay đổi hành vi và các biện pháp thực hiện hành vi bảo đảm ATTP, phù hợp với từng đối tượng.
Hoàn thiện các thể chế, các quy định để kiểm soát được ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp khác, bảo đảm sử dụng đúng chất lượng, chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly của các loại vật tư nông nghiệp sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm. Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải thực hiện đạt hiệu quả cao hơn, hướng tới mục tiêu giảm thiểu vi phạm về chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý, cũng như nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội.