Theo tài liệu PV thu thập, sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, ngày 27/9/2017 TAND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án “trộm cắp tài sản” đối với ông Vinh. Theo Tòa án, nhiều vấn đề còn “mâu thuẫn trong hồ sơ cần làm rõ để có cơ sở xác định ông Vũ Trần Vinh có phạm tội hay không”.
Nhiều mâu thuẫn cần làm rõ
Hàng loạt những điểm cần làm rõ trong KLĐT và cáo trạng đã được thẩm phán được phân công thụ lý vụ án phân tích trong quyết định trả hồ sơ vụ án. Phía Tòa án nhận định, KLĐT và cáo trạng của VKSND đều xác định số tài sản bị mất là tài sản của Công ty Mai Phương là chưa đủ cơ sơ thuyết phục. Bởi lẽ, tại thời điểm mất vàng ngày 31/12/2010 thì bà Phượng và ông Vinh còn là vợ chồng và nơi cất giữ vàng là căn nhà 13K cư xá Phúc Hải vẫn là tài sản chung của hai người.
Mặt khác, khi giải quyết ly hôn tại Tòa án TP Biên Hòa cũng không giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng mà đình chỉ vì có liên quan đến quyền lợi thành viên công ty. Như vậy phần vốn góp trong công ty của bà Phượng đứng tên vẫn đương nhiên là tài sản chung của vợ chồng chưa chia. Tại TAND TP Biên Hòa, ông Vinh cũng có yêu cầu chia số tiền 3,9 tỷ đồng (60% phần vốn góp của bà Phượng) nhưng chưa được giải quyết.
Một điểm nữa cần làm rõ thêm về mặt pháp lý là tài sản của Công ty Mai Phương tại sao lại chuyển vào sổ tiết kiệm cá nhân bà Phượng? Sau đó bà Phượng tự ý đi mua vàng về để ở nhà cá nhân mà không mang đến để ở công ty từ ngày 7-8/12 đến 31/12/2010 thì bị mất. Ông Vinh có biết số vàng này không? Trước sau, ông Vinh không thừa nhận đã lấy vàng. Đây là mâu thuẫn giữa tài sản cá nhân và tài sản công ty. Nếu là tài sản công ty thì không đủ căn cứ vì số tiền mua vàng là từ sổ tiết kiệm cá nhân của bà Phượng.
Mặt khác, theo TAND tỉnh Đồng Nai, sự thỏa thuận và đồng ý để bà Phượng rút tiền gửi tiết kiệm ra mua vàng sau đó của các thành viên công ty (gồm: bà Phượng, Mai Văn Vĩnh, Mai Xuân Hòa) là chị em ruột với nhau thể hiện sự chưa khách quan. Chưa kể, tài sản công ty lại để tại nhà 13K cư xá Phúc Hải (trong bàn vi tính) là phòng của Mai Xuân Hòa đang ở nhưng Hòa không biết, còn bà Phượng giữ chìa khóa nhưng cửa không khóa, khi mất Hòa mới biết. Điều này theo TAND tỉnh Đồng Nai là mâu thuẫn. Ngược lại bà Phượng lại khai có nói với các thành viên công ty là vàng để ở nhà 13K cư xá Phúc Hải nhưng không nói rõ để ở đâu cũng là mâu thuẫn.
Niềm tin được minh oan
Bên cạnh những điểm mâu thuẫn “chí tử” như đã nêu trên, trong quyết định trả hồ sơ vụ án cũng nêu nhiều tình tiết khác chưa được KLĐT và cáo trạng làm rõ.
Đầu tiên là việc góp vốn vào Công ty Mai Phương. Tài khoản góp vốn Công ty Mai Phương theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 5 (28/12/2010) gồm 3 thành viên, trong đó bà Phượng góp vốn 3,9 tỷ đồng, ông Vĩnh góp 1,3 tỷ đồng, ông Hòa góp 1,3 tỷ đồng. Nhưng thực tế ông Vĩnh chỉ góp 700 triệu đồng, Hòa góp 1,3 tỷ đồng. Ngày góp vốn là ngày 7/1/2011 (tức là một tuần sau ngày xảy ra việc mất vàng) là mâu thuẫn. Như vậy, việc tăng vốn điều lệ lên 6,5 tỷ đồng theo đăng ký kinh doanh diễn ra sau khi mua vàng 20 ngày, vậy tiền mua vàng là của công ty hay cá nhân bà Phượng, vấn đề này cần được làm rõ.
Bên cạnh đó, theo TAND tỉnh Đồng Nai, CQĐT và VKS tỉnh Đồng Nai chưa làm rõ 82 lượng (cây) vàng SJC do bà Tân (mẹ ông Vinh) gửi tại Ngân hàng ACB là loại vàng gì, chủng loại, số hiệu và khi nhận gửi có giám định và kiểm định gì hay không? Đồng thời, theo tòa, phải làm rõ nguyên nhân vì sao khi bị phát hiện mất vàng vào ngày 31/12/2010 bà Phượng không tố giác hoặc báo chính quyền địa phương sự việc trên, mà cho đến ngày 1/4/2011 mới tố cáo tại Công an Biên Hòa và ngày 1/7/2013 tố cáo tại CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai. Tòa cũng yêu cầu xác định việc mua vàng SJC không có giấy tờ có đúng quy định không, làm rõ việc tiệm vàng Kim Phát mua vàng ở đâu, công ty nào?
Trở lại với người kêu oan, nhiều năm qua, câu chuyện về 85 cây vàng và khối tài sản chung chưa chia sau ly hôn vẫn ám ảnh ông Vinh. Nhớ lại tháng ngày bị tạm giam, ông Vinh ngậm ngùi kể, người vợ cũ không ít lần vào trại giam không phải để thăm ông, lúc thì đề nghị ông ký giấy chia tài sản, khi thì ký giấy bán nhà, cho thuê… Ông Vinh một mực lắc đầu. Bởi lẽ, từ trước khi bị khởi tố, tạm giam, ông đã nộp đơn lên TAND TP Biên Hòa đề nghị chia tài sản. Nhưng từ đó đến nay, vụ kiện chia tài sản vẫn chưa có kết quả mà ông không hiểu tại sao.
Vốn có nghề tay trái rang xay cà phê, nên sau 16 tháng 10 ngày bị tạm giam, ông Vinh trở về với nghề cũ để bắt đầu một cuộc sống mới. Bỏ lại những tháng ngày xưa làm công chức, ông bước sang một ngã rẽ mới. Trong những tháng ngày chờ vụ án của mình đưa ra xét xử, những khi ngồi hàng giờ bên cạnh chảo rang, ước muốn của ông là vụ án nhanh chóng được xét xử. Ông tin lúc đó mình sẽ được minh oan.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử gửi về cho ông Vinh, dự kiến phiên tòa xét xử ông Vinh sẽ được TAND tỉnh Đồng Nai mở vào ngày 9/8/2018.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.
Luật sư Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai nhận định việc VKS tỉnh Đồng Nai ra cáo trạng truy tố ông Vũ Trần Vinh về tội “Trộm cắp tài sản” là thiếu cơ sở. Bởi việc mua vàng do cá nhân bà Phượng đứng tên chứ không phải là Công ty Mai Phương đứng tên.
Số vàng này không lưu giữ ở công ty Mai Phương mà được cất giữ trong nhà của ông Vinh bà Phượng nên không thể kết luận số vàng của công ty Mai Phương. Vậy tài sản do bà Phượng mua và đứng tên thì là tài sản chung của ông Vinh và bà Phượng trong thời kỳ hôn nhân.Vậy, ông Vinh có lấy “trộm” tài sản thì cũng không cấu thành tội phạm vì đây là tài sản chung hợp nhất không thể phân chia nên không có chuyện chồng trộm cắp tài sản chung của vợ chồng.
Ngoài ra, giữa cáo trạng và KLĐT mâu thuẫn nhau bởi hai cơ quan cho ra hai kết quả trái ngược: VKS kết luận số vàng mà bà Phượng khai bị mất được mua từ tiệm vàng Kim Phát nhưng CQĐT lại thể hiện rằng số vàng này được bà Phượng mua từ ngân hàng ACB.