Tản mạn đường trà - Bài 4: Năm dòng trà chính và kinh nghiệm của người trồng trà

Nguyễn Hữu Hồng Kỳ

Bạch trà, lục trà, Ô-long trà, hồng trà, Phổ Nhĩ trà là những loại trà chính, đặc biệt và có cách chế biến rất khác nhau.

Có hàng ngàn loại trà trên thế giới, vậy nhưng cùng một loại trà, người ta có thể chế biến thành năm dòng chính sau:  

1. Bạch trà (Hán tự: 白 茶, tên quốc tế: White tea)

Bạch trà là loại trà thuần chất nhất. Để chế biến Bạch trà, những đọt trà nhỏ và non nhất được hái, hấp ngay lập tức để phòng chống sự lên men, rồi sấy khô. Người hái cũng chỉ hái những đọt cực non của trà vào mùa xuân, khi chúng còn được bao bọc bởi những lông mịn màu trắng.

Để chế biến Bạch trà, những đọt trà nhỏ và non nhất được hái, hấp ngay lập tức để phòng chống sự lên men, rồi sấy khô.
Để chế biến Bạch trà, những đọt trà nhỏ và non nhất được hái, hấp ngay lập tức để phòng chống sự lên men, rồi sấy khô.

Khi pha, nước của bạch trà có màu trắng. Chính vì vậy mà trà loại này có tên Bạch trà. Đây là loại trà ít đòi hỏi chế biến nhất. Căn cứ theo các nghiên cứu khoa học gần đây, Bạch trà chứa đựng nhiều antioxidant chống ung thư nhiều hơn các loại trà khác.

2. Lục trà (Hán tự: 绿 茶; tên quốc tế: Green tea)

Lục trà còn gọi là trà xanh, được chế biến từ những lá trà non, được hấp, đảo đều bằng tay hoặc bằng máy, rồi sấy khô. Nước của thanh trà có màu xanh lục nhạt. Đây là màu nguyên thủy của lá trà không ủ.

3. Ô-long trà (Hán tự: 乌 龍 茶, tên quốc tế: Oolong tea)

Trà Ô-long được chế biến từ những lá non, phơi nắng trên những tấm phên bằng tre, vò nát và đựng trong các rổ tre. Mục đích của sự vò nát là để làm hư hại những mạch dẫn nhựa và cạnh lá, tạo ra màu đỏ.

Mục đích của sự vò nát lá trà là để làm hư hại những mạch dẫn nhựa và cạnh lá, tạo ra màu đỏ.
Mục đích của sự vò nát lá trà là để làm hư hại những mạch dẫn nhựa và cạnh lá, tạo ra màu đỏ.

Sau đó, lá trà được ủ ngắn hạn (semi-fermented) trong vài tiếng đồng hồ, và sao liền tay trên các chảo nóng trong một tuần nhang và sấy khô.

4. Hồng trà (Hán tự: 紅 茶; tên quốc tế: Black tea)

Hồng trà còn gọi là Hắc trà được chế biến tương tự với phương pháp kể trên, ngoại trừ thời gian ủ lâu hơn. Chính sự ủ làm trà biến màu từ xanh lục ra đen.

Sau khi sấy khô, trà được pha với các loại trà khác. Đối với quan niệm của người Trung Hoa, hắc trà không được chuộng vì loại trà này được làm từ những lá tạp nham.

Tuy vậy, đây là loại trà mà thế giới ưa chuộng trong việc ăn uống điểm tâm. Khi uống, người Tây phương thường pha Hắc trà chung với sữa hoặc đường.

5. Phổ Nhĩ trà (Hán tự:普 洱 茶; tên quốc tế: Pu erh tea)

Phổ Nhĩ trà là loại trà cổ xưa và hiếm nhất. Loại trà này chỉ thích hợp cho những người sành uống trà mà thôi. Cách thức chế biến loại trà này rất bí mật. Trà được ủ, có khi hai lần và thường được ép thành dạng bánh, hoặc viên gạch. Nước của Pu-erh trà thường có ánh đỏ đậm hoặc nâu.

Trà được chia thành những loại chính nhưng liệu trồng trà cần lưu ý gì?

Cách trồng trà

Trà thích hợp với khí hậu nhiệt đới và tiếp nhiệt đới, lá trà xanh um quanh năm, đâm chồi nhanh chóng ở mùa xuân khi thời tiết ấm áp, tốt nhất được trồng ở vùng cao nguyên khoảng từ 900 đến 2.100 thước. (1 thước = 40cm)

Theo kinh nghiệm, người trồng trà không trồng trà ở dải đất nắng chang chang mà chọn vùng đất thoai thoải để dễ thoát nước. Người trồng xới đất thành từng rãnh rộng độ 7 tấc, sâu độ 4, 5 tấc (mỗi tấc = 10cm) cho đất xốp. Độ sâu này cũng giúp rễ trà ăn sâu, dễ bón phân khi gieo hạt vào khoảng tháng 9. Hạt sẽ được gieo thành từng hàng, mỗi hàng cách nhau khoảng 2 thước, hạt nọ cách hạt kia chừng 8 tấc.

Trà được trồng ở vùng đất thoai thoải để dễ thoát nước.
Trà được trồng ở vùng đất thoai thoải để dễ thoát nước.

Mỗi ngày trà được tưới nước một lần vào buổi chiều. Cây trà rừng có thể cao chừng 9 thước. Tại Trung Hoa hay Việt Nam có những cây trà cổ thụ cao gần 20 thước, đường kính thân cây khoảng 1 thước, nhưng các nhà trồng trà thường cắt xén, giữ độ cao cây trà chừng 9 tấc đến 1,2 thước, điều này giúp dễ dàng hái lá trà.

Cây trà trồng từ 3 đến 5 năm thì hái đọt được, và có thể khai thác đến 15 hay 16 năm thì chặt bỏ, trồng lại. Cây trà có bông nhỏ màu trắng mùi thơm ngào ngạt, mỗi bông trà thường có 3 hột.

Hình ảnh vùng trà Long Tỉnh, Hàng Châu.
Hình ảnh vùng trà Long Tỉnh, Hàng Châu.

Cây cỏ thường đâm chồi nẩy lộc vào lúc thời tiết ấm áp, cho nên vào mùa xuân, trà đâm đọt non, người ta có thể hái để chế biến Bạch trà, trễ hơn, người ta hái một búp đầu với hai lá gần kề gọi là “một tôm hai lá”, khi sao lá trà quăn lại như hình móc câu, nên được gọi là “trà móc câu”.

Trà sau khi hái lá, sấy khô không ướp hương, được gọi là trà mạn hay trà mộc nói chung. Từ đây, người ta chế biến trà thành năm loại chính nói trên.

 
Tản mạn đường trà - Bài 4: Năm dòng trà chính và kinh nghiệm của người trồng trà - Ảnh 1

Đối với nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hồng Kỳ, văn hoá phương Đông từ lâu đã trở thành niềm đam mê và lẽ sống của anh. Những gì Hồng Kỳ nghiên cứu thường "không giống" người khác. 

Cách đây 10 năm, anh đã từ bỏ vị trí giám đốc một công ty có hơn 1000 nhân viên để ra nước ngoài theo đuổi con đường nghiên cứu về huyền học phương Đông, bao gồm Ngũ thuật Sơn - Y - Bốc - Mệnh - Tướng. 

Tốt nghiệp Học viện Mastery Academy tại Malaysia, Hồng Kỳ còn thọ giáo nhiều chuyên gia phong thủy nổi tiếng trên thế giới. Về Việt Nam, Nguyễn Hữu Hồng Kỳ tiếp tục con đường nghiên cứu của mình với Trà.

Từ đây, những chuyến đi khám phá lại bắt đầu. Ban đầu anh đến Hà Giang, Lào Cai... để đưa những búp trà cổ thụ thuần Việt đến gần với mọi người hơn. 

Sau đó là những chuyến đi về các vùng danh trà của Trung Quốc, Đài Loan và thậm chí Australia, Mỹ, châu Âu... để viết nên những trải nghiệm về "con đường trà" của riêng mình.

Qua nhiều năm tháng trải nghiệm, người đàn ông ấy sắp bước vào độ tuổi ngũ tuần nhưng vẫn bừng bừng đam mê và nhiệt huyết, vẫn đang ấp ủ nhiều kế hoạch lớn lao hơn nhằm đưa văn hóa phương Đông đến gần hơn với mọi người, nhất là lớp trẻ; đồng thời cũng đưa văn hóa phương Đông ra ngoài khuôn khổ châu Á.