Sức mua kém, chip xử lý cho thiết bị điện tử từ thiếu thành dư thừa

Anh Vũ

Trái ngược với xu hướng hồi đầu năm, ảnh hưởng từ giá cả leo thang cùng lo ngại về suy thoái kinh tế khiến sức mua các sản phẩm điện tử tiêu dùng giảm sút dẫn tới tình trạng dư thừa chip xử lý.

Từng khiến cả thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng do khan hiếm vào đầu năm, tới nay lượng chip xử lý lại dư thừa so sức mua yếu từ thị trường điện tử tiêu dùng. Tờ Wall Street Journal đưa tin các nhà sản xuất bán dẫn đang loay hoay tìm đường ra cho các sản phẩm của mình khi lượng chip xuất ra lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu thị trường.

Nguồn thông tin cho hay lượng vi xử lý tồn kho đang dư thừa nhiều chưa từng có trong 10 năm trở lại đây. Theo ước tính, trữ lượng chip tồn đọng tương đương với 40 ngày sản lượng chip toàn cầu.

CEO Micron ông Sanjay Mehrotra cho rằng lượng chip tồn kho đang vượt quá dự kiến của hãng. Micron là một trong những hãng sản xuất bán dẫn lớn nhất tại Mỹ. Tình trạng dư thừa chip xử lý cũng khiến Micron công bố sẽ tái định hướng lại kế hoạch phát triển đồng thời giảm 10% lượng nhân sự.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vào hồi tháng 3 năm nay, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã lên tiếng cầu cứu do lượng dữ trữ chip xử lý không đủ cho sản xuất. Rất nhiều dự thảo luật cùng các biện pháp liên quan đã được thực hiện để giải quyết phần nào tình trạng này, giới chuyên gia trước đó nhận định tình hình khan hiếm chip xử lý sẽ còn kéo dài tới năm 2023.

CEO Intel, Patrick Gelsinger từng phát biểu: "Sự phát triển của các thiết bị thông minh đã dẫn tới tình trạng khan hiếm chip xử lý toàn cầu, điều này càng tồi tệ hơn bởi các ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cũng như những đứt gãy trong chuỗi cung ứng". Vị CEO từng nhận định tình trạng thiếu chip xử lý sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Thế nhưng, vào thời điểm cuối năm, tác động từ giá cả leo thang cùng những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu khiến sức mua giảm mạnh. Người tiêu dùng toàn thế giới giảm chi cho những thiết bị không thiết thực như thiết bị điện tử, đồ chơi, trò chơi hay đồ gia dụng, thay vào đó họ tập trung tích trữ lương thực, nhiên liệu cùng khoản tiền dự trữ để đề phòng rủi ro.

Mặc dù vậy, không phải ngành nào cũng gặp tình trạng dư thừa vi xử lý. Ngành sản xuất ô tô đang là một trong những ngoại lệ khi tình trạng khan hiếm chip xử lý thiết kế riêng cho các dòng xe hiện đại thiếu trầm trọng. Tờ Financial Times dẫn lời các nhà sản xuất cho rằng sẽ phải tới năm 2023 tình trạng thiếu chip xử lý cho ô tô mới phần nào được giải quyết.

Các hãng sản xuất chip cho ô tô cũng chưa có lời giải cho bài toán này. CEO Onsemi ông Hassane El-Khoury cho hay toàn bộ chip sử dụng cho ngành công nghiệp ô tô đã bán hết, phải tới cuối năm 2023 doanh nghiệp này mới có thể nhận thêm đơn đặt hàng mới từ khách hàng.

Tin Cùng Chuyên Mục