Tại Shark Tank Việt Nam mùa 6, dự án xe điện ba bánh Cababa (là chữ viết tắt của ‘Car ba bánh’ - tức xe ba bánh) là ý tưởng xuất phát từ niềm trăn trở của kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh mỗi khi đưa con gái đi học.
Theo nhà sáng lập Cababa, di chuyển bằng xe máy vừa thiếu an toàn, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như nắng mưa, khói bụi, tiếng ồn. Trong khi, ô tô gặp hạn chế do vấn đề giao thông và lãng phí không gian sử dụng khi chỉ có hai người.
Dự án Cababa được ông Tuấn cùng cộng sự khởi tạo với mục tiêu ban đầu là phát triển một loại xe điện ba bánh có hai chỗ ngồi, được tích hợp tính năng để giải quyết nỗi trăn trở của mình. Thay vì phân loại sản phẩm này là ô tô hay xe gắn máy, ông Tuấn Anh gọi đây là "tương lai".
Theo giới thiệu, chiếc xe điện ba bánh được trang bị cơ chế cân bằng chủ động, khắc phục nhược điểm lớn nhất của các chiếc xe thân hẹp là dễ bị lật khi vào cua. Chiếc xe ba bánh này có thể di chuyển 200 km trên một lần sạc với phiên bản pin gắn liền thân xe hoặc 150 km với phiên bản pin có thể tháo rời. Giá bán dự kiến là 100 triệu đồng. Hiện nay startup đã có bản MVP (Minimum viable product – sản phẩm khả thi tối thiểu) chạy thử nghiệm được 6 tháng.
Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 6, vị kỹ sư muốn gọi 1,8 tỷ đồng cho 5% cổ phần công ty, nhằm tạo ra 5 sản phẩm nữa trong vòng 6 tháng tới. Nhà sáng lập chia sẻ dự án này đã "đốt" 2 tỷ đồng, trong đó có 1 tỷ đồng vốn góp và 1 tỷ đồng đi vay.
Người đầu tiên từ chối thương vụ này là Shark Bình. Vị "cá mập" nêu rõ quan điểm: "Tôi khâm phục ước mơ và nỗ lực của bạn. Tuy nhiên, Shark Tank không phải là sân chơi của ước mơ viển vông nên tôi không đầu tư".
Đồng quan điểm với Shark Bình, "vị cá mập" Lê Hùng Anh cũng từ chối đầu tư vì cho rằng công ty sẽ gặp khó trên hành trình này vì xe chưa được cấp phép, doanh nghiệp không có vốn. "Em chưa ra sản phẩm, chưa thương mại hóa, chưa được cấp phép. Số tiền này nó rất là bé, chỉ đi được vài ngày hết, em đi gọi vốn lại tiếp, vậy em đâu có thời gian suy nghĩ".
Shark Louis là người tiếp theo nói lời từ chối bởi Cababa chưa nêu lên được lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.
Shark Tuệ Lâm bày tỏ, "Tôi hỏi người khác là nếu bây giờ họ có tầm 100, 120 triệu thì họ muốn mua một cái xe SH hay họ muốn mua một cái xe như thế này, thì cả 10 người họ đều nói với tôi rằng họ sẽ không mua cái xe như thế này”. Theo cô, việc mình nghĩ như thế nào không quan trọng bằng việc khách hàng ngoài kia họ nghĩ như thế nào. "Cái đấy mới là thứ quyết định business (mô hình kinh doanh) của bạn có kiếm ra tiền hay không”. Vì lý do đó, cô không đầu tư cho startup này.
Chỉ có Shark Hưng tỏ ra hứng thú với Cababa. Ông nhận định đây là một sản phẩm tương đối tiềm năng, dù cho nhà sáng lập khá mù mờ về kế hoạch phát triển thị trường trong tương lai. Đánh giá cao tâm huyết của đội ngũ sáng lập khi nghiên cứu phát triển sản phẩm trong một thời gian ngắn nên Shark Hưng mong muốn được đồng hành cùng startup. Ông đề nghị 1,8 tỷ đồng cho 15% cổ phần với điều kiện Cababa phải có bước tiến đáng kể trong thủ tục đăng kiểm và lưu hành.
Phía Cababa đề xuất mức đầu tư 1,8 tỷ đồng cho 10% cổ phần, tặng 3% với mong muốn có sự đồng hành của Shark Hưng trong quá trình thương mại hóa sản phẩm. "Cá mập" chốt lại ở mức 1,8 tỷ đồng cho 12% cổ phần vốn góp, 3% cổ phần tặng. Đề nghị này được chấp thuận, Shark Hưng bắt tay với Cababa trên sóng truyền hình.