Ngày pháp luật

Startup thương mại xã hội của cựu nhân viên FPT và Be vừa được "rót vốn" 1,1 triệu USD

Giang Phạm

Với số tiền được rót vốn, startup On dự kiến sử dụng nguồn vốn mới để tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, phát triển giải pháp công nghệ để phục vụ nhu cầu quản lý, giao hàng và tài chính của người bán. 

Công ty khởi nghiệp thương mại xã hội có trụ sở tại Việt Nam - On - vừa nhận được khoản đầu tư 1,1 triệu USD trong vòng tài trợ hạt giống do Touchston Partners dẫn đầu. Vòng tài trợ này còn có sự tham gia của ThinkZone Ventures. 

Với số tiền được rót vốn, startup On dự kiến sử dụng nguồn vốn mới để tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, phát triển giải pháp công nghệ để phục vụ nhu cầu quản lý, giao hàng và tài chính của người bán. 

On được thành lập vào năm 2021 bởi Giang Nguyen (cựu lãnh đạo công nghệ của Tập đoàn FPT), Dzung Luu (người từng lãnh đạo hoạt động tại startup gọi xe Việt Nam Be) và Minh Nguyễn (cựu giám đốc tài chính của Logivan).

Những nhà sáng lập startup On là Minh Nguyễn, Giang Nguyễn và Dzung Lưu (tính từ trái sang phải). Ảnh: ON
Những nhà sáng lập startup On là Minh Nguyễn, Giang Nguyễn và Dzung Lưu (tính từ trái sang phải). Ảnh: ON

Nền tảng này giúp các cá nhân có thêm thu nhập thông qua việc tiếp thị sản phẩm từ cửa hàng trực tuyến cho mọi người trên mạng xã hội hoặc các trang bán hàng sẵn có và nhận hoa hồng trên từng giao dịch.

Startup Việt này sẽ hỗ trợ toàn bộ từ việc cung cấp nguồn hàng, đóng gói, vận chuyển và đổi trả. Những người bán hàng thông qua On sẽ không cần vốn và có thể kiếm được tới 300 USD/tháng.

Kể từ khi thành lập, On cho biết đã có hơn 10.000 người đăng ký bán hàng trên nền tảng, trong đó 90% là phụ nữ. Phần lớn các đại lý nằm ở các thị trấn nhỏ hoặc các khu vực nông thôn. 

Theo báo cáo của Google và Bain & Company, Việt Nam được dự đoán là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỷ USD vào năm 2026, gấp 4,5 lần ước tính giá trị năm 2021. 

Thương mại xã hội là khái niệm xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc và dần lan rộng ra các khu vực khác nhau trên thế giới. Trong nước, thương mại xã hội chiếm khoảng 11,6% tổng doanh số thương mại điện tử bán lẻ, với doanh thu đạt hơn 186 tỷ USD vào năm 2019. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, thị trường thương mại xã hội toàn cầu tăng trưởng với tốc độ chóng mặt - khoảng 31,4%.

Theo thống kê, vào năm 2021, các khoản đầu tư toàn cầu "đổ" vào công ty khởi nghiệp thương mại xã hội ở Đông Nam Á gồm vài cái tên nổi bật như Desty, Kitabeli, Super và Segari của Indonesia; Mio của Việt Nam.

Tin Cùng Chuyên Mục