Ngày pháp luật

Startup giáo dục Ông Bụt doanh thu hơn 20 tỷ, gọi vốn triệu đô cam kết hoàn vốn trong 3 năm có “săn Cá mập” có thành công?

Giang Phạm

Trước phần trình bày không rành mạch và thiếu thuyết phục của startup, các Shark đều từ chối đầu tư.

Startup EdTech (công nghệ giáo dục) Ông Bụt xuất hiện trong tập 10 Shark Tank Việt Nam mùa 6 để kêu gọi 1 triệu USD cho 10% cổ phần, bày tỏ mong muốn giải ngân trong 3 - 6 tháng, cam kết hoàn vốn trong khoảng 3 năm.

Đại diện cho startup Ông Bụt đến Shark Tank gọi vốn là Đỗ Chí Cường - đồng sáng lập của công ty. Theo giới thiệu của Chí Cường, Ông Bụt được thành lập bởi nhóm sáng lập là Giám đốc công ty công nghệ và các giáo viên đạt giải quốc gia.

Startup giáo dục Ông Bụt doanh thu hơn 20 tỷ, gọi vốn triệu đô cam kết hoàn vốn trong 3 năm có “săn Cá mập” có thành công? - Ảnh 1

Ông Bụt cung cấp hơn 30 nghiệp vụ giáo dục cho các quản lý trường học cũng như giáo viên và học sinh. Nền tảng cũng bán các khóa học ghi sẵn cho tất cả các môn học, cung cấp tính năng dạy học trực tuyến. Trên Ông Bụt còn có cả sàn thương mại điện tử bán kính cận cho học sinh. Tổng chi phí đầu tư ban đầu khoảng 1,5 triệu USD.  Startup đặt mục tiêu vào năm 2029 đạt một triệu người, mang lại doanh thu 50 triệu USD.

Co-founder của Ông Bụt đặt ra 3 mốc cho startup. Thứ nhất, năm 2023 đặt mục tiêu đạt 30.000 user, trong đó khoảng 8.000 user trả phí. Theo lời startup, đến thời điểm này họ đã vượt mục tiêu và 8 dịch vụ đã sinh lời.

Mốc thứ 2 là năm 2026 - thời điểm cam kết hoàn vốn với mục tiêu đạt 200.000 user trả phí. Mốc thứ 3 là năm 2029 với mục tiêu 1 triệu user, doanh thu đạt 50 triệu USD.

Về mảng kinh doanh, Chí Cường cho biết Ông Bụt đang bán khóa học các môn trong nhà trường, giúp học sinh được học online trong bối cảnh tắc đường và đưa đón khó khăn ở những thành phố lớn.

Chính thức ra mắt từ tháng 12/2022, sau 9 tháng, Ông Bụt có 8.000 người dùng trả phí. Trong đó 1.000 người dùng là học sinh của ông Đỗ Chí Cường, 7.000 người dùng còn lại đến từ các giáo viên khác. Doanh thu ghi nhận là 17 tỷ đồng đến từ các khóa học, lớp học, bán dịch vụ cho trường học và sàn thương mại điện tử.

Ông Đỗ Chí Cường cho biết với doanh thu 17 tỷ đồng, lợi nhuận thu về là 30%. Sau khi tính toán, các Shark chỉ ra rằng các con số mà đại diện Ông Bụt đưa ra đang chưa khớp nhau, khi 60% chi phí vốn, chi phí lương chiếm khoảng hơn 20% thì lợi nhuận không thể đạt 30%.

Ông Đỗ Chí Cường cho biết do chưa có báo cáo tài chính năm nên ông đang lấy con số theo kiểu “sao kê tài khoản”. Lý giải về cách định giá doanh nghiệp là 240 tỷ đồng, đại diện doanh nghiệp cho biết dựa theo liệt kê điểm mạnh và định giá trên đó.

Startup giáo dục Ông Bụt doanh thu hơn 20 tỷ, gọi vốn triệu đô cam kết hoàn vốn trong 3 năm có “săn Cá mập” có thành công? - Ảnh 2

Thứ nhất là dựa vào nhóm IT làm sản phẩm kết hợp với nhóm giáo viên có giải quốc gia. Thứ hai là thị trườngedtech Việt Nam rất lớn với khoảng 13 – 14 triệu người dùng. Thứ ba là dựa vào luồng tiền đầu tư cho giáo dục cũng như chi phí một gia đình bỏ ra cho giáo dục là 30%. Và điểm mạnh thứ tư là Ông Bụt có hai mô hình kinh doanh, B2C nhờ triển khai miễn phí B2B, kết hợp việc mở chi nhánh tại các địa phương.

Shark Louis là "cá mập" đầu tiên từ chối đầu tư, tiếp đó là Shark Minh.

Shark Lê Hàn Tuệ Lâm chỉ ra rằng việc các thông tin startup đưa ra không khớp nhau khiến nhà đầu tư hoài nghi, và người làm kinh doanh không nắm được số liệu là điều rất nguy hiểm. Do đó, cô cũng rút lui.

Shark Bình với Shark Hùng Anh cũng lần lượt rút lui trước phần trình bày không rành mạch và thiếu thuyết phục của startup.

Tin Cùng Chuyên Mục