Nhắc đến Ms Lê Hạnh, nhiều người sẽ nhớ ngay đến một người phụ nữ hay cười nhưng vô cùng “quyền lực" trong lĩnh vực truyền thông và sản xuất nội dung. Nữ doanh nhân Lê Hạnh còn được biết đến với vai trò CEO của TV Hub, Giám đốc sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam.
Dù khởi đầu chỉ ở lĩnh vực tiếp thị nhưng với đầu óc nhạy bén, nữ doanh nhân này luôn nỗ lực không ngừng, cống hiến cho sự phát triển cộng đồng, đặc biệt là trong các dự án khởi nghiệp.
Shark Tank Việt Nam không phải chương trình truyền hình đầu tiên mà Ms Lê Hạnh tham gia sản xuất trong 20 năm làm truyền thông và nội dung truyền hình. Dường như, Shark Tank Việt Nam là dự án đánh dấu tái khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền hình vào năm 2016.
Trong buổi phỏng vấn với Doanhnhan.vn, nữ doanh nhân Lê Hạnh đã có những chia sẻ về những câu chuyện trong hành trình khởi nghiệp, những bài học “để đời” và cả những mong muốn trong tương lai.
Kinh doanh là một cuộc chiến không dễ dàng, chị đã từng vấp ngã hay gặp thất bại nào chưa? Nếu được quay trở về quá khứ, chị có muốn thay đổi quyết định nào không?
Tôi bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2001, khi nền kinh tế đã hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Trong gần 10 năm đầu tiên, tôi “làm đâu trúng đó”, kinh doanh hay làm gì cũng “thắng”. Ở thời điểm đó, tôi không hề biết đến “mùi” thất bại nên có phần chủ quan, đôi khi cũng ngộ nhận về năng lực chính mình.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra vào năm 2008, lúc này tôi bắt đầu nếm mùi thất bại. Hiện tại, tôi cũng giống như nhiều người khác, đang phải gồng mình chống đỡ với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Nếu không thất bại thì chúng ta sẽ nghĩ mình quá giỏi, sẽ ảo tưởng về bản thân, nghĩ làm gì cũng dễ dàng, đó là con đường dẫn đến phá sản nhanh lắm.
Khi gặp thất bại hay khó khăn lớn, chị thường tìm đến nguồn động lực nào để tiếp tục tiến lên?
Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, tôi giống nhiều người khác, phải vận dụng mọi khả năng để xoay chuyển tình thế vượt qua nghịch cảnh, thậm chí có người còn tìm ra “cửa sáng’’ trong khủng hoảng. Tôi thường tự nhủ, thất bại có thể khiến chúng ta mất rất nhiều, thậm chí mất hết, cái duy nhất mà ta không thể để đánh mất được, đó chính là ý chí. Bởi tôi tâm niệm, nếu ngay chính bản thân mình còn không có ý chí thì sẽ không ai có thể tạo động lực cho mình.
Là một người bận rộn, rất khó để cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Đâu là cách để chị giữ được sự cân bằng?
Vì tính chất công việc nên khi có những đợt sản xuất ghi hình, tôi thường phải dốc toàn bộ sự tập trung và sức lực. Trong khoảng thời gian đó, tôi thường xuyên phải làm việc đến 2 - 3h sáng, trong suốt nhiều ngày. Chỉ khi dự án kết thúc, tôi mới có thể tạm dừng lại để tìm những khoảng thời gian cân bằng cuộc sống cá nhân.
Tôi cũng đã phải đánh đổi nhiều thứ như thời gian cho bản thân và gia đình để thỏa mãn đam mê của mình với các sản phẩm truyền hình. Nhưng khi công việc là đam mê thì mỗi ngày đi làm đều là niềm vui.
Ngoài đam mê công việc, tôi có rất nhiều sở thích khác như sưu tập tranh, nghệ thuật, nấu ăn, du lịch… những lúc đắm chìm trong nghệ thuật hay đến với thiên nhiên… tôi thực sự thấy thảnh thơi, tận hưởng từng chút thi vị trong cuộc sống. Điều này vừa giúp tôi thỏa mãn với đam mê, vừa là nguồn năng lượng mới tái tạo, giúp tôi nảy ra nhiều ý tưởng mới khi quay trở lại công việc.
Theo chị, thế nào mới được coi là thành công? Liệu định nghĩa về thành công có thay đổi qua từng giai đoạn cuộc đời?
Khi bắt đầu kinh doanh, thước đo thành công của tôi là quy mô công ty, là số tiền mình có thể kiếm được cho công ty, cho bản thân. Nhưng sau 40 tuổi, tôi lại có suy nghĩ khác. Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi được làm công việc mình yêu thích và đem lại giá trị cho nhiều người, cho hệ sinh thái và cho đất nước.
Dù doanh nghiệp của tôi không lớn nhưng tôi yêu cầu, đề cao sự chuyên nghiệp. Kế hoạch của tôi là làm ra những chương trình truyền hình, sản phẩm có giá trị, có thể truyền cảm hứng tới cho cộng đồng. Bởi khi mình đặt giá trị trước những con số, mình sẽ không vội vàng “thổi” doanh nghiệp lớn nhanh bằng mọi cách. Thay vào đó, “đặt mục tiêu khác đi, hành động cũng sẽ khác đi”.
Tiết lộ một chút về định hướng cho TV Hub trong thời gian tới, bên cạnh mảng nội dung ở lĩnh vực khởi nghiệp, TV Hub sẽ phát triển thêm mảng nội dung về ẩm thực, làm bánh cũng như các chương trình thực tế dành cho đối tượng gia đình và trẻ em.
Tên tuổi của Ms Lê Hạnh gắn liền với các chương trình truyền hình thực tế, cuộc sống chị đã thay đổi như thế nào khi đến với Shark Tank?
Tư duy của tôi thay đổi rất nhiều khi làm Shark Tank. Mỗi năm tôi tiếp xúc hàng trăm công ty khởi nghiệp, nghe qua vài trăm dự án. Tôi ngưỡng mộ các công ty khởi nghiệp về sự sáng tạo đổi mới, sự dấn thân của các nhà sáng lập, nhưng qua đó, tôi cũng nhìn thấy những điều còn thiếu sót ở họ.
Vì vậy, tôi muốn đồng hành, muốn trở thành tri kỷ của những startup đó, để cùng nhau biến ước mơ thành hiện thực.
Cuộc sống của tôi thay đổi thế nào khi làm Shark Tank ư? Có lẽ, sự thay đổi nhiều nhất là việc tôi bớt xài hàng hiệu và ăn mặc cũng trở nên giản dị hơn.
Shark Tank Việt Nam "nổi sóng" với những deal 'khủng' lên tới cả triệu USD. Theo chị, đâu là tiêu chí giúp các Shark quyết định đầu tư vào một dự án khởi nghiệp trên Shark Tank?
Khác với những mùa trước, Shark Tank Việt Nam mùa 6 “trình làng” với nhiều deal triệu đô cho các công ty phân phối, sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm, chứ không phải các công ty công nghệ.
Điều này cho thấy, các Shark đã có sự dịch chuyển “khẩu vị” sang những khu vực đầu tư dài hạn và an toàn hơn. Đó là những công ty có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường (product market fit), có năng lực sản xuất, năng lực quản trị, các chỉ số tài chính lành mạnh và kế hoạch phát triển thuyết phục. Dù vậy, tôi đánh giá, các vị “cá mập” đến từ Quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn tiếp tục quan tâm đầu tư cho startup công nghệ.
Shark Tank mùa 5 ghi nhận 4 dự án khởi nghiệp đã thẩm định doanh nghiệp (Due Diligence) thành công và nhận được vốn rót từ Shark. Con số này khá ít so với 31 Startup giành được cam kết đầu tư từ ‘cá mập’ trên sóng truyền hình. Theo chị, đâu là nguyên nhân khiến số tiền vốn thực tế rót xuống start-up chưa cao?
Theo format chương trình thì cái bắt tay giữa shark và startup trên TV là để bắt đầu tìm hiểu nhau, hay còn gọi là Due Diligence (thẩm định doanh nghiệp). Sau mỗi cuộc thẩm định, các doanh nghiệp sẽ có thêm trải nghiệm, qua đó lấp đầy được kỹ năng làm việc với nhà đầu tư. Ngược lại, các nhà đầu tư cũng tìm hiểu kỹ hơn về các doanh nghiệp như chỉ số tài chính, bản kế hoạch…
Nếu như các startup không nêu bật ra được chỉ số tài chính hấp dẫn như khi thuyết trình, bản kế hoạch phát triển chưa thuyết phục, hoặc hai bên không thống nhất được về hướng phát triển công ty sau này… thì rất có thể, các startup nhận được số tiền vốn thực tế “rót” không cao, hoặc giao dịch bị huỷ bỏ.
Đôi khi cũng có trường hợp, sau khi lên sóng truyền hình, một số startup nhận được nhiều offer (đề nghị đầu tư) tốt hơn nên từ chối hợp tác với các Shark.
Trong quá trình làm việc với các Shark và Founder qua các mùa Shark Tank trước, chị có kinh nghiệm hay lời khuyên nào muốn gửi gắm đến Startup trẻ không?
Tôi chỉ có một lời khuyên nhỏ dành cho các startup trẻ, đó là các bạn cần biết mình muốn tìm nhà đầu tư như thế nào.
Nhiều startup hiểu rõ về sản phẩm, mô hình kinh doanh… nhưng lại không biết mình muốn nhà đầu tư như thế nào, đó là nhà đầu tư tài chính, hay nhà đầu tư chiến lược? Bạn cũng cần trả lời được câu hỏi, bạn sẵn sàng đánh đổi bao nhiêu cổ phần, liệu có muốn minh bạch và chia sẻ quyền kiểm soát công ty hay không? Hay bạn muốn xây dựng mối quan hệ với các nhà đầu tư như thế nào?
Muốn gọi được vốn thì chắc chắn doanh nghiệp của bạn phải đầu tư nguồn lực. Do đó, nếu được, startup cần xây dựng một team phụ trách việc gọi vốn với phân công trách nhiệm cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng và chuyên nghiệp khi làm việc với nhà đầu tư, chuẩn bị màn thuyết trình trên TV thật ấn tượng nhằm tạo hiệu ứng tích cực khi lên sóng. Tôi tin rằng, không nhà đầu tư nào chịu rót tiền cho một startup không biết quảng cáo một cách hay ho về sản phẩm của mình với công chúng.
Chị đánh giá thế nào về chất lượng và tiềm năng các dự án khởi nghiệp tham gia chương trình Shark Tank so với thị trường khởi nghiệp Việt Nam nói chung?
Shark Tank là nơi phát hiện những dự án mới, những mô hình kinh doanh mới lạ, độc đáo. Các startup lên Shark Tank đến từ nhiều lĩnh vực hoạt động, lên tới 15 ngành.
Shark Tank mùa 6 cũng thu hút nhiều công ty ở giai đoạn pre-series A và series A tham gia gọi vốn hơn. Trước đây số lượng startup ở giai đoạn đầu tư thiên thần khá nhiều nên rủi ro cao hơn, cũng “xanh và non” hơn nên sẽ kém thu hút các nhà đầu tư – là “cá mập” của chương trình.
Trong tương lai, chương trình Shark Tank có định hướng đổi mới về mô tuýp hay phương thức thực hiện hay không?
Trong giai đoạn “mùa đông gọi vốn” cho khởi nghiệp này, chúng tôi chọn lựa các công ty có chỉ số tài chính hấp dẫn, có khả năng hấp thụ vốn để tăng trưởng, founder có kinh nghiệm quản trị… Sự thay đổi mô tuýp chương trình đã xoay chuyển tình thế từ "mùa đông gọi vốn" sang "mùa thu" (thu hoạch).
Đơn cử, như chỉ sau vài tập phát sóng, Shark Tank đã xuất hiện những deal triệu đô, đã có deal triệu đô được giải ngân. Đặc biệt hơn nữa, sau khi các startup lên sóng, có được chiếc “bắt tay” với Shark, có doanh nghiệp được 3-4 nhà đầu tư ngoài quan tâm, tranh giành deal với Shark.
Cám ơn những chia sẻ của chị và chúc chị thật nhiều sức khỏe.