Quý cuối trong năm tài chính 2022 (quý III/2022) của Starbucks kết thúc với doanh thu cao hơn kỳ vọng của các chuyên gia Phố Wall. Trong giai đoạn này, Starbucks ghi nhận mức doanh thu tăng kỷ lục 8,41 tỷ USD, cao hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này được thúc đẩy nhờ tăng giá sản phẩm trong thời kỳ lạm phát. Công ty đã tăng giá thêm 6% so với năm ngoái.
Dù toàn bộ nền kinh tế "rung chuyển" nhưng tình hình kinh doanh của "ông lớn" ngành đồ uống vẫn vô cùng thuận lợi. Nhu cầu ở Bắc Mỹ đối với thức uống đắt tiền vẫn duy trì mạnh mẽ trong khi sự sụt giảm ở thị trường Trung Quốc không tệ như dự đoán. Cổ phiếu của Starbucks có thị giá 0,81 USD/đơn vị, cao hơn so với kỳ vọng 0,72 USD. Ngay sau khi công bố báo cáo tài chính, cổ phiếu của Starbucks đã tăng gần 2%.
Khi các chuyên gia dự đoán doanh số tại mỗi cửa hàng trên toàn thế giới chỉ tăng 4,2% thì Starbucks đã tạo ra thành tựu đột phá tăng 7% trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9.
Dù đại dịch khiến việc kinh doanh tại thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn được bù đắp nhờ khu vực Bắc Mỹ.
Doanh số các cửa hàng ở Bắc Mỹ tăng 11% trong quý vừa qua. Trong khi đó, doanh số ở Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của Starbucks sau Mỹ, giảm 16%. Thế nhưng, đây cũng là dấu hiệu phục hồi đáng mừng đối với "ông lớn" đồ uống bởi doanh số bán hàng của quý III năm tài chính (quý II/2022) đã bị sụt giảm đến 44%.
Trước kết quả kinh doanh khả quan, Starbucks đã đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số hàng năm từ 7% đến 9% cho mỗi cửa hàng trong hai năm tài chính tiếp theo. "Gã khổng lồ" tiết lộ kế hoạch để vượt qua đợt suy thoái kinh tế sắp tới là bán đồ uống lạnh thông qua ứng dụng của hãng và hướng đến việc thu hút thêm đối tượng khách hàng trẻ tuổi và giàu có.
Một số nhà phân tích và nhà đầu tư đã đặt câu hỏi làm thế nào Starbucks có thể đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng 7% đến 9% trên toàn cầu trong năm 2023, khi mà bối cảnh kinh tế đang ngày càng tồi tệ.
CEO của Starbucks, Howard Schultz tự tin rằng công ty có thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra nhờ vào chương trình Rewards cùng với lượng khách hàng trẻ, giàu có và rất trung thành. Schultz cho biết hơn một nửa khách hàng hiện tại của Starbucks thuộc Thế hệ Y hoặc Thế hệ Z. Đây là nhân tố sẽ đóng góp nhiều cho doanh thu hãng đồ uống.
Bên cạnh đó, việc ra mắt các sản phẩm mới cùng hình thức mua hàng trực tiếp trên xe (Drive-Thru counter) và mua hàng mang đi (Carry-out counter) cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của hãng.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao kỷ lục và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu sắp diễn ra, các thương hiệu đồ ăn nhanh như McDonald's và Yum Brands thu hút khách hàng với những bữa ăn giá rẻ. Thế nhưng, những người có thu nhập cao vẫn tiếp tục chi tiêu mạnh tay cho đồ ăn và thức uống đắt tiền của Starbucks và Chipotle Mexican Grill.