Sau Yum China và Starbucks, một chuỗi nhà hàng lớn khác ở Trung Quốc cũng ghi nhận tình hình kinh doanh khó khăn.
Haidilao International Holdings, chuỗi nhà hàng lẩu với giá trị vốn hóa thị trường 14 tỷ USD và một trong những doanh nghiệp nhà hàng giá trị nhất thế giới cho biết họ lỗ tới hơn 4,5 tỷ NDT (tương đương 710 triệu USD) trong năm 2021 dương lịch. Phần lớn khoản lỗ đến từ việc Haidilao phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hơn 300 cửa hàng trong cùng kỳ do tình hình dịch bệnh phức tạp.
"Những tác động đến Haidilao là do đại dịch toàn cầu liên tục thay đổi phức tạp cộng với việc mở rộng mạng lưới nhà hàng trong năm 2020 và 2021 cũng như các vấn đề quản lý nội bộ.
Đặc biệt, trong nửa cuối năm 2021, hoạt động nhà hàng của chúng tôi bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch bệnh bùng phát trong khu vực, làm gia tăng các quy định giúp bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Điều này dẫn đến kết quả hoạt động của nhà hàng Haidilao trong nửa cuối năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2021, các nhà hàng ở nước ngoài lỗ nặng hơn", Haidilao giải thích trong một báo cáo.
Haidilao ra mắt công chúng tại Hong Kong vào năm 2018 với giá 17,8 HKD/cổ phiếu. Ngày 21 tháng 2, giá cổ phiếu Haidilao đóng cửa ở mức 20,2 HKD/cổ phiếu, giảm mạnh từ mức 80 HKD vào đầu năm 2021.
Đến giữa năm 2021, Haidilao có tổng cộng 1.597 nhà hàng, trong đó chỉ 106 nhà hàng ở quốc tế, còn lại đều ở Trung Quốc đại lục. Chuỗi nhà hàng lẩu này kỳ vọng doanh thu năm 2022 tăng hơn 40% so với năm 2020 lên 40 tỷ NDT (~6,3 tỷ USD).
Haidilao tự hào có tới 4 nhà đồng sáng lập là tỷ phú. Zhang Yong, Shi Yonghong, Shu Ping và Li Haiyan đã cùng nhau thành lập Haidilao vào năm 1994. Trong đó, Zhang Yong là người giàu nhất với 7,3 tỷ USD, theo sau là Shu Ping (5,5 tỷ USD) và hai vợ chồng Li Haiyan - Shi Yonghong đồng sở hữu 2 tỷ USD.
Đầu tháng này, Yum China, nhà điều hành chuỗi nhà hàng KFC và Pizza Hut, cho biết những đợt bùng phát biến thể Delta trong suốt năm 2021 tại Trung Quốc gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh.
Yum China tách ra từ Yum! và hoạt động như một công ty độc lập từ năm 2016. Đây là chuỗi nhà hàng lớn nhất Trung Quốc với hơn 11.000 nhà hàng trên khắp đất nước tính đến tháng 12.
Cũng chịu chung tình trạng, Starbucks đầu tháng 2 thông báo doanh thu các cửa hàng tại Trung Quốc đã giảm 14% trong 3 tháng tính đến ngày 2 tháng 1 so với một năm trước đó. Lượng khách trung bình giảm 9% và lượng giao dịch giảm 6%.