Ngày pháp luật

Sóng lừng cổ phiếu Sacombank

Theo Kinh tế Sài Gòn

Năm nay cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - mã STB) có những thời điểm biến động “kỳ lạ”. Kỳ lạ bởi sự lên xuống thất thường của cổ phiếu STB dường như tách rời khỏi hoạt động của ngân hàng.

Cuối tháng 3 khi tác động của dịch Covid-19 lên tâm lý nhà đầu tư được ghi dấu ấn mạnh nhất, đã có ngày thị giá cổ phiếu STB rơi về 7.200 đồng.

Toàn thị trường chứng khoán và các cổ phiếu ngân hàng khác lúc bấy giờ đều lao dốc, nhưng không có cổ phiếu ngân hàng nào giảm khốc liệt như STB.

Giữa tháng 5-2020, cùng với đà phục hồi chung của thị trường, cổ phiếu STB ngoi lên mặt đất về mệnh giá 10.000 đồng.

Trong vòng gần bốn tháng kế tiếp, thị giá STB thăng trầm trong biên độ hẹp từ 10.000 đến 12.000 đồng/cổ phiếu. Cứ dùng dằng thế, STB chẳng tỏ bất cứ tín hiệu nào của một đợt đầu cơ sóng lừng cho tới giữa tháng 9.

Khách hàng giao dịch tại Sacombank.
Khách hàng giao dịch tại Sacombank.

Phiên giao dịch ngày 22/9 khối lượng khớp lệnh cổ phiếu STB vọt lên gần 46 triệu đơn vị, trị giá hơn 570 tỷ đồng. Trong mười phiên giao dịch gần nhất, khối lượng khớp lệnh trung bình của STB đã qua mức 20 triệu đơn vị/ngày. Bao nhiêu nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tham gia giao dịch cổ phiếu STB?

Hỏi một nhân viên môi giới kỳ cựu đã mười mấy năm trong nghề, anh cho biết trên các diễn đàn chứng khoán đâu đâu cũng nói đến tin đồn “thâu tóm” Sacombank hay đúng hơn là những nhóm nhà đầu tư mới “giàu tiền” chuẩn bị xuất hiện trong danh sách cổ đông ngân hàng này.

Thậm chí một vài lãnh đạo Sacombank cũng nhận được tin nhắn về biến động giá cổ phiếu sẽ thế này thế khác.

Sự tỉnh táo đằng sau những con số

Sự việc có thể đã bắt đầu với 176,3 triệu cổ phiếu STB (tương đương 9,35% cổ phần STB) được thế chấp từ cách đây nhiều năm tại Ngân hàng Kiên Long. Số cổ phiếu này vốn là tài sản bảo đảm được nhóm nhà đầu tư có liên quan đến ông Trầm Bê đưa vào thế chấp ở ngân hàng Kiên Long để vay tiền.

Những năm trước, số cổ phiếu này bị phong tỏa và Ngân hàng Nhà nước không cho phép Kiên Long xử lý do chúng nằm trong số cổ phần được giao cho ngân hàng nhà nước quản lý thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Tài sản thế chấp bị phong tỏa, khoản nợ trên của Kiên Long được treo vào nhóm nợ bình thường. Cuối năm 2019 khoản nợ trên được yêu cầu chuyển qua nợ xấu. Kiên Long phải xử lý nợ xấu để tránh những hạn chế theo quy định như nợ xấu cao thì không được mở chi nhánh, phòng giao dịch, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp….

Giá cổ phiếu STB được thế chấp ở ngân hàng Kiên Long trên thực tế cao hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu STB trên sàn, chưa kể lãi mẹ đẻ lãi con qua các năm. Nhóm nhà đầu tư cá nhân, tổ chức nào ở thời điểm này có đủ tiền tươi thóc thật để nhận chuyển nhượng từ Kiên Long?

Trong trường hợp thật sự muốn mua, cả bên bán và bên mua có thể tiến hành giao dịch thỏa thuận ngoài sàn và không bị chi phối bởi biên độ giá quy định.

Ngoài ra, nếu bên mua muốn nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần cao hơn ở Sacombank, họ sẽ lẳng lặng mua gom trên sàn với mức giá càng thấp càng có lợi. Không ai bắt đầu một cuộc thâu tóm bằng những tin đồn ầm ĩ và cố đẩy giá cổ phiếu lên cao để mua cả.

Tiền đâu mua cổ phần chi phối?

Tháng 4 và 5/2017 trước khi ngân hàng nhà nước đề nghị Vietcombank hỗ trợ Sacombank bằng việc đưa nhân sự tham gia hội đồng quản trị ngân hàng, một số tổ chức đã lên tiếng về mong muốn được góp mặt vào quá trình tái cơ cấu Sacombank, đồng thời gửi đề án tái cơ cấu Sacombank lên cơ quan quản lý.

Theo một đề án tái cơ cấu Sacombank khi ấy, tỷ lệ cổ phần được ủy quyền cho VAMC quản lý là 52,35%. Trong số này có 20% cổ phần STB thế chấp ở các ngân hàng Eximbank, Kiên Long Bank, Quốc Dân, ACB, VietBank và một tỷ lệ nhỏ thế chấp ở chính Sacombank.

Ba năm qua, một số ngân hàng đã xử lý được khoản nợ thế chấp bằng cổ phiếu STB, tổng cộng khoảng gần 4,5% cổ phần. Số cổ phần còn lại mà các ngân hàng đang nắm giữ làm tài sản bảo đảm cộng với VAMC quản lý xấp xỉ 48%.

Gần 9,35% cổ phần STB mà ngân hàng Kiên Long đang giữ trong tay; 75 triệu cổ phiếu STB (tương đương 3,98% cổ phần) thuộc tài sản thế chấp tại Eximbank cũng nằm trong số 48% này.

Bên cạnh đó Sacombank vẫn còn giữ 81 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 4,3% cổ phần). Số cổ phiếu quỹ có nguồn gốc từ Ngân hàng Phương Nam và khi Phương Nam sáp nhập vào Sacombank thì trở thành cổ phiếu quỹ của Sacombank.

Các ngân hàng đang giữ cổ phiếu STB như tài sản thế chấp, về nguyên tắc, sẽ không chuyển nhượng chúng với giá thấp hơn giá vốn cho vay nhằm đảm bảo thu hồi nợ gốc, chưa nói đến lãi, trừ trường hợp đã được trích lập dự phòng rủi ro.

Một tổ chức và các bên liên quan, nếu muốn trở thành cổ đông lớn, sở hữu tối đa 20% cổ phần Sacombank theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, sẽ phải chi ra hàng ngàn tỷ đồng.

Còn nếu nhóm nhà đầu tư nào đó có ý định trở thành cổ đông chi phối ở Sacombank, tức trên 50%, chắc chắn sẽ phải nhìn đến 32,35% cổ phần mà VAMC đang quản lý.

Tính theo giá đóng cửa cổ phiếu STB ngày 28/9 là 13.800 đồng, hơn 50% cổ phần Sacombank có giá 13.000 tỷ đồng (làm tròn). Đây là số tiền tươi thóc thật khổng lồ mà không phải cứ hô “Vừng ơi mở ra!” là có.

Sacombank và công cuộc cải tổ ngành ngân hàng

Sacombank, không nghi ngờ, là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam và việc tái cơ cấu Sacombank có vai trò quan trọng trong công cuộc cải cách hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

Ba năm qua, bằng nỗ lực của chính mình và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, Sacombank đã giải quyết được một nửa số tài sản không sinh lời mà hội đồng quản trị cũ để lại. Sacombank cũng là ngân hàng duy nhất năm năm qua không chia cổ tức cho cổ đông kể cả chia bằng cổ phiếu.

Sacombank, theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị, cần ít nhất hai năm nữa để xử lý nốt số tài sản không sinh lời còn lại. Vướng mắc cơ bản của những tài sản này chính là cơ sở pháp lý chưa đầy đủ.

Việc xử lý số cổ phiếu STB mà VAMC đang quản lý và được thế chấp ở các ngân hàng khác là cần thiết để thu hồi nợ cho các ngân hàng và cho Sacombank.

Vì thế, bất kỳ một sự chuyển nhượng cổ phiếu STB nào cũng nên có ý kiến tham khảo của Sacombank để không ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Một phương thức đấu giá công khai, minh bạch, đảm bảo thu hồi nợ gốc và lãi là điều mà tất cả các bên tham gia giao dịch đều phải tính đến.

Trong bối cảnh cuối năm, khi cả nước vừa phải tăng tốc phục hồi kinh tế vừa phải chống dịch Covid-19, khi đại hội đảng bộ các địa phương đang diễn ra và trước thềm đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, sự thay đổi cơ cấu cổ đông (nếu có) của một ngân hàng cổ phần quy mô như Sacombank, rõ ràng, không thuận lợi về thời điểm.

Nhìn lại quá khứ, từ năm 2008 đến nay, thị giá cổ phiếu STB chưa bao giờ vượt quá 16.000 đồng (đã tính các đợt chia thưởng và trả cổ tức). Năm 2017 ngân hàng Eximbank đã chớp thời cơ thoái thành công một tỷ lệ cổ phần STB. Từ đó đến nay thị giá STB chưa lặp lại được mức giá mà Eximbank đã thoái.

Sóng cổ phiếu STB lần này, vì thế, mang nặng dấu ấn của đầu cơ. Đầu cơ không phải xấu. Đầu cơ là câu chuyện của thị trường và được mất từ đầu cơ cần rất nhiều sự tỉnh táo. 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục