Ngày pháp luật

Cổ đông đòi chia cổ tức, lãnh đạo Sacombank trấn an: "Chúng tôi sẽ tiếp tục xin Ngân hàng Nhà nước"

Hiếu Nguyễn

(Doanhnhan.vn) - "Chúng tôi rất muốn chia cổ tức để thúc đẩy giá cổ phiếu, ngay cả tôi cũng muốn điều này để có tiền tiêu xài. Không chia cổ tức là thiệt thòi cho cổ đông", Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh nói với các cổ đông.

Tại Đại hội Cổ đông thường niên của Ngân hàng Sacombank được tổ chức sáng 5/6, vấn đề chia cổ tức tiếp tục là chủ đề nổi cộm được các cổ đông đặc biệt quan tâm trong phần thảo luận.

Cụ thể, nhiều cổ đông đặt câu hỏi về việc tại sao Sacombank không chia cổ tức nhiều năm qua. Bên cạnh đó, cổ đông cho rằng Ngân hàng Nhà nước chỉ nên đóng vai trò giám sát, quản lý về chính sách, không nên "chen chân" vào chuyện chia cổ tức của ngân hàng.

Trả lời những thắc mắc trên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank Dương Công Minh cho biết hiện ngân hàng đang có lợi nhuận tích lũy hơn 4.000 tỷ đồng, tuy nhiên, muốn chia cổ tức bắt buộc phải có ý kiến thông qua của Ngân hàng Nhà nước, bởi Sacombank là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. 

Ông Minh cũng cho biết đang gặp nhiều áp lực, từ cả phía Ngân hàng Nhà Nước lẫn cổ đông. Chính vì vậy, Chủ tịch Sacombank mong nhận được sự thông cảm và hỗ trợ từ các bên liên quan.

"Chúng tôi rất muốn chia cổ tức để thúc đẩy giá cổ phiếu, ngay cả tôi cũng muốn điều này để có tiền tiêu xài. Không chia cổ tức là thiệt thòi cho cổ đông" - ông Minh nói với các cổ đông.

Cổ đông đòi chia cổ tức, lãnh đạo Sacombank trấn an:

 

Về mục tiêu xử lý nợ xấu, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết kế hoạch xử lý nợ xấu của Sacombank năm nay là 11.000 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm, nợ xấu đã được đấu giá và đang làm thủ tục chuyển giao đã lên đến 9.700 tỷ đồng. Chính vì vậy, bà Diễm khẳng định kế hoạch xử lý nợ cả năm chắc chắn vượt xa kỳ vọng.

Ban lãnh đạo Sacombank cũng tiết lộ ngân hàng đang thực hiện theo đúng lộ trình Basel II. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo thông tư mới đã vượt mức tối thiểu. Đồng thời, ngân hàng sẽ giảm 2,5% nhân sự để tái cơ cấu nhằm tăng hiệu quả, năng suất.

Năm 2020, lãnh đạo Sacombank nhận thức bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam biến động theo chiều hướng tiêu cực, đặc biệt trước ảnh hưởng của Covid-19 ngay từ những ngày đầu năm. Mặc dù vậy ngân hàng vẫn tự tin đặt mục tiêu tăng tổng tài sản thêm 10% lên hơn 498.000 tỷ đồng; tổng huy động vốn tăng 10% lên trên 457.000 tỷ; dư nợ tín dụng tăng 11% đạt hơn 329.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.573 tỷ đồng và nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, ngân hàng sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt kế hoạch lợi nhuận bằng với năm 2019, tức hơn 3.200 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục