Theo đề án phát triển hạ tầng giao thông của TP HCM từ 2021 đến 2030, nhu cầu vốn của TP HCM cần tới 852.500 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều công trình hạ tầng lớn ở phía Đông sẽ tiếp tục được đầu tư như cao tốc TP HCM - Long Thành, nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, đường vành đai 3, cầu Cát Lái, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km (đang xây dựng),...
Thành phố Thủ Đức trong tương lai được thành lập trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Công ty Sasaki - Đơn vị đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng quy hoạch "Thành phố Thủ Đức" nhấn mạnh rằng, TP HCM phải đặt việc đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối quy mô lớn với khu trung tâm hiện hữu và hướng đến liên kết vùng để phù hợp với chiến lược triển khai mở rộng vùng đô thị trong tương lai.
Vậy, trong tương lai, hạ tầng giao thông "Thành phố Thủ Đức" có những gì để tạo nền tảng đột phá về quy hoạch tổng thể, định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao?
Và cũng trong câu chuyện hạ tầng này, các NĐT kì vọng sẽ kích thích nguồn vốn đầu tư đổ vào làm "thay da đổi thịt" nền kinh tế khu vực nói chung, thị trường BĐS nói riêng. Hạ tầng giao thông, dịch vụ công ích và hàng loạt khu đô thị mới với nguồn vốn đầu tư lớn đã, đang tạo niềm tin rất lớn với các NĐT.
Trước tiên là cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn 4km đầu): Đường cao tốc này bắt đầu tại điểm giao cắt với Đại lộ Mai Chí Thọ tại Q.2 (TP HCM) chạy về hướng đông 4 km và cắt đường Vành đai II tại nút giao lớn. Qua khỏi Cầu Long Thành con đường tiếp tục chạy về hướng đông đông nam và giao cắt với Quốc lộ 51 (AH17) tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP HCM với các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Thời gian từ TP HCM đi Phan Thiết còn 3 giờ thay vì 5 giờ như trên quốc lộ 1; từ TP HCM đi Vũng Tàu còn 1,5 giờ, nhanh hơn một giờ so với quốc lộ 51.
Mới đây, Đơn vị khảo sát thuộc Bộ GTVT kiến nghị mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành lên 8 làn xe vào năm 2025 với vốn đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng. Đây được xem là tuyến đường huyết mạch mà khu Đông Sài Gòn đang sở hữu đã từng tác động rất lớn đến thị trường bất động sản khu vực này.
Tiếp theo, tuyến metro số 1 ( Bến Thành - Suối Tiên), đang là động lực lớn cả về kinh tế lẫn thị trường bất động sản mà "Thành phố Thủ Đức" đang có. Tuyến tàu điện ngầm này được khởi công xây dựng trong năm 2012 và dự kiến hoàn thành năm 2019. Nhưng hiện công trình đội vốn nên dự kiến thời gian hoàn thành vào năm 2021.
Dù chưa hoàn thành nhưng trước đó, dự án giao thông này đã tác động rất lớn đến thị trường bất động sản quanh tuyến hoặc cách tuyến khoảng 2.5km. Giá đất tăng liên tục, các dự án bất động sản bùng nổ là hiện tượng dễ thấy trên thị trường bất động sản những năm về trước khi ăn theo tuyến metro này.
Theo khảo sát trước đó của CBRE Việt Nam, các bất động sản nằm trong khu vực tuyến tàu điện ngầm số 1 chạy qua bao gồm quận Bình Thạnh, quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức giá thứ cấp có thể tăng trên dưới 10% so với các dự án tương tự nhưng không gần tuyến metro.
Theo các chuyên gia trong ngành, dự án giao thông này được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ mang lại diện mạo tích cực cho "Thành phố Thủ Đức".
Bến xe Miền Đông mới sắp đi vào hoạt động sẽ tạo thêm cú hích động lực phát triển của "Thành phố Thủ Đức": Bến xe miền Đông là bến xe có quy mô lớn nhất cả nước với quy mô 16ha, lớn gấp 4 lần bến xe cũ.
Có tổng vốn đầu tư lên đến 4.000 tỷ đồng. Bến xe miền Đông mới có tổng diện tích là 160.370, 2m2 trong đó diện tích bãi đỗ ôtô chờ vào vị trí đón khách là 29.880m2, diện tích bãi đỗ xe dành cho các phương tiện khác là 21.000m2, diện tích phòng chờ của khách là 1.152m2.
Bến xe mới đi vào hoạt động sẽ góp phần giải tỏa tình trạng kẹt xe nghiêm trọng đã tồn tại thời gian dài tại bến xe miền Đông cũ, ngoài ra làm giảm áp lực lưu thông lên các tuyến đường giao thông nội thành.
Không chỉ dừng lại ở đó, với vị trí tọa lạc tại Quận 9, khi chính thức đi vào hoạt động, bến xe mới sẽ khiến giá nhà đất tại đây tăng cao nhanh chóng.
Đại lộ Phạm Văn Đồng: Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối toàn bộ khu vực Đông Bắc với Trung tâm Thành phố.
Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Đông Bắc, kết nối toàn bộ khu vực Đông Bắc với trung tâm TP HCM và đi qua các quận Thủ Đức, Bình Thạnh Gò Vấp, đại lộ Phạm Văn Đồng được đánh giá là đại lộ giao thông huyết mạch với chiều dài 13,6km, rộng 30-65m với 12 làn xe.
Sau khi được đưa vào hoạt động, đại lộ Phạm Văn Đồng đã góp phần quan trọng làm giảm ùn tắc giao thông, đồng thời kết nối và làm giảm thời gian di chuyển với các khu vực trọng điểm của thành phố như Quận 1, Quận 2, Quận Phú Nhuận và sân bay Tân Sơn Nhất cũng như các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu thông qua quốc lộ 1A.
Hầm chui Mỹ Thủy: Dự án nút giao thông này là dự án giao thông trọng điểm của TP HCM với tổng số vốn gần 2.400 tỷ đồng. Một khi dự án được hoàn thiện sẽ giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hàng hóa vào cảng Cát Lái và kết nối với đường Vành đai 2 từ cầu Phú Mỹ lên đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đồng thời, dự án này cũng góp phần tăng cường an toàn giao thông trên tuyến, từng bước đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông và hoàn chỉnh quy hoạch tại khu vực này.
Hầm Thủ Thiêm: Đây là hạng mục công trình quan trọng bậc nhất đại lộ Đông Tây đồng thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển khu Đông mà trong tương lai "Thành phố Thủ Đức" tiếp tục được hưởng lợi từ công trình này, đặc biệt hầm sông Sài Gòn còn tạo động lực to lớn cho sự phát triển khu đô thị Thủ Thiêm.
Song song đó, cầu Thủ Thiêm 2, nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với khu trung tâm TP HCM (quận 1) đang dần đến ngày "về đích". Điều này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trục chính tại thành phố, đồng thời giải tỏa áp lực giao thông ở khu Đông.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2020 - 2022, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 4m; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 77m (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy) với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng từ ngân sách, riêng tiền giải phóng mặt bằng là hơn 850 tỷ đồng. Các đơn vị liên quan đang hoàn thiện phương án đầu tư cụ thể để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.
Trả lời trên báo chí trước đó, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ Tướng Chính phủ nhấn mạnh, thành lập "Thành phố Thủ Đức" không chỉ đơn giản là gom 3 quận thành 1 trên cơ sở địa giới hành chính.
Để xây dựng khu đô thị mới sáng tạo phía đông trở thành động lực phát triển kinh tế, nâng cao tri thức, đời sống của người dân theo đúng kỳ vọng, cần tiến hành quy hoạch khu đông trên phạm vi 2 bờ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai với quy mô một đô thị xứng tầm, không cắt nhỏ ra để xây dựng, dẫn đến quy hoạch loang lổ kiểu da beo.
Bên cạnh đó, cần xác định Thủ Đức là thành phố nằm ở cửa ngõ phía đông, kết nối với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam nên định hướng phát triển không thể tách rời các đô thị lân cận như Biên Hòa, Bình Dương, Dĩ An, Long Thành, Nhơn Trạch... Phát triển Thủ Đức phải nhìn trên quan hệ liên vùng, liên tỉnh.
Link bài gốc