Ngày pháp luật

Sóc Trăng tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

H.LAN

Xác định công tác an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, thời gian qua, các ngành, các cấp tỉnh Sóc Trăng đã cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh… góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch số 18/KH-BCĐLNATTP, ngày 22-3-2021 của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh Sóc Trăng về triển khai Tháng hành động “Vì ATTP” năm 2021, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh để tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; thức ăn đường phố. 

Test nhanh thực phẩm xem có sử dụng chất cấm trong sản xuất không. Ảnh: H.LAN
Test nhanh thực phẩm xem có sử dụng chất cấm trong sản xuất không. Ảnh: H.LAN

Theo đồng chí Âu Hiền Sĩ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng, mục đích của đoàn kiểm tra nhằm đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, thông qua hoạt động này nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm, qua đó sẽ đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm ATTP trong thời gian tới.

Để đảm bảo công tác kiểm tra đạt kết quả cao nhất, việc tổ chức các đoàn kiểm tra đảm bảo có đầy đủ thành phần chuyên môn và đủ thẩm quyền, chuẩn bị đầy đủ các văn bản có liên quan, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, test nhanh ATTP tại cơ sở khi cần thiết. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra cần tuân thủ theo đúng trình tự kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra ATTP được quy định tại Thông tư số 48/2015/TT-BYT. Trong đợt này, nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm ATTP; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP); giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ); giấy chứng nhận sức khỏe, tập huấn kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý quy định; nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn; truy xuất nguồn gốc thực phẩm thực hiện theo quy định…

Kết quả, qua kiểm tra thực tế tại một số cửa hàng, cơ sở sản xuất cho thấy ý thức chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo ATTP được thực hiện khá tốt, qua kiểm tra cũng giúp các cửa hàng, chủ cơ sở thấy được những hạn chế, trách nhiệm của mình trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra tại cửa hàng Bách Hóa Xanh. Ảnh: H.LAN
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra tại cửa hàng Bách Hóa Xanh. Ảnh: H.LAN

Anh Nhữ Quang Mạnh - Giám đốc cửa hàng Bách Hóa Xanh khu vực huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), Long Mỹ (Hậu Giang) cho biết, hiện cửa hàng Bách Hóa Xanh tại huyện Thạnh Trị có khoảng 10.000 sản phẩm gồm hàng khô, gia dụng, thực phẩm tươi sống… bình quân hàng ngày phục vụ khoảng 500 lượt khách. Do đó, cửa hàng rất chú trọng công tác ATTP, từ khâu bảo quản, kiểm tra hạn sử dụng… Tuy nhiên, do số lượng sản phẩm quá lớn nên trong quá trình quản lý từng khâu vẫn còn những hạn chế. Nhờ đoàn kiểm tra mà cửa hàng thấy được những thiếu sót để sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới như: thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của các sản phẩm (nhất là thực phẩm tươi sống), chú trọng dọn vệ sinh tại kho chứa hàng, hướng dẫn người sử dụng kiểm tra sản phẩm và hạn sử dụng…

Còn anh Dương Quốc Huy, chủ cơ sở sản xuất bún Huy Phong, có kinh nghiệm làm bún gần 10 năm nên cũng nắm khá rõ các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP nhưng trong những quy định có liên quan thì anh vẫn còn khá lúng túng nhờ đoàn kiểm tra mà anh biết được nhiều giấy tờ, thủ tục cần được cơ quan xác nhận theo từng năm mới hợp lệ. Thông qua đợt kiểm tra lần này, anh sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục có liên quan nhằm đảm bảo đủ điều kiện sản xuất theo quy định, để người dân tin tưởng cơ sở của mình, từ đó việc sản xuất, bán bún cũng thuận tiện hơn.

Bên cạnh công tác kiểm tra, thanh tra, các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đảm bảo ATTP với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng biết cách chọn mua, chế biến... Qua đó, đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, nâng cao nhận thức và ý thức người dân, của chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện pháp luật của Nhà nước về đảm bảo ATTP theo đúng quy định. Nhờ đó công tác đảm bảo vệ sinh ATTP có sự chuyển biến tích cực. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đã chấp hành nghiêm túc các quy định về vệ sinh ATTP; người dân đã có ý thức trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Để tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo ATTP trong thời gian tới, đòi hỏi các ngành, các cấp phải thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là khâu hậu kiểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm… Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các kiến thức về ATTP, các quy định của Luật ATTP đến các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thường xuyên tuyên truyền, cung cấp kiến thức cơ bản, cần thiết để giúp người dân biết cách lựa chọn được những thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng.

Tin Cùng Chuyên Mục