Ngày pháp luật

SMBC đề nghị chấm dứt "liên minh chiến lược" với Eximbank (EIB)

Quỳnh Chi

Cổ phiếu EIB hiện đang dừng ở mức 35.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng số cổ phần SMBC nắm giữ đang có giá trị khoảng 6.600 tỷ đồng, cao hơn 83% so với thời điểm đầu tư 14 năm trước đó.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã EIB) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc chấm dứt trước thời hạn thỏa thuận liên minh chiến lược ký ngày 27/11/2007 với Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) theo đề nghị của SMBC tại văn bản ngày 5/1/2022.

Trong cơ cấu cổ đông của EIB, SMBC hiện là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 185 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn. Tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản đã đầu tư 225 triệu USD vào EIB từ năm 2007. Nhiều khả năng, SMBC sẽ sớm không còn là cổ đông chiến lược của Eximbank.

Trong giai đoạn đầu hợp tác, SMBC hỗ trợ Eximbank lập kế hoạch phát triển ngân hàng bán lẻ trung và dài hạn, biệt phái chuyên gia sang Việt Nam để triển khai các dự án mới, phát triển hoạt động kinh doanh thẻ, cho vay. Đồng thời, SMBC cũng tư vấn, lập kế hoạch cho hoạt động quản trị doanh nghiệp và đào tạo nhân sự.

Một năm sau thỏa thuận liên minh, Eximbank trả cổ tức lên tới 82,55% và tiếp tục duy trì trả cổ tức đều đặn 4 năm sau đó. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, Eximbank đều không chia cổ tức trong khi cổ phiếu EIB lại đưa nhà đầu tư đi “tàu lượn”.

Phải đến cuối quý 1/2021, khoản đầu tư của SMBC vào Eximbank mới hòa vốn. Cổ phiếu EIB hiện đang dừng ở mức 35.700 đồng/cổ phiếu tương ứng số cổ phần SMBC nắm giữ đang có giá trị khoảng 6.600 tỷ đồng, cao hơn 83% so với thời điểm đầu tư 14 năm trước đó.

Đáng chú ý, liên tục từ năm 2019 đến nay, "điệp khúc" tổ chức rồi bất thành được lặp lại với các phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên của ngân hàng này.

Theo kế hoạch, ngày 15/2, EIB sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2021 lần thứ 2, trong đó có nội dung quan trọng là bầu lại HĐQT và Ban kiểm soát của ngân hàng nhiệm kỳ 2020 - 2025. Danh sách các ứng viên đề cử, ứng cử đã được gửi đến Eximbank trước ngày 14/1 để Ngân hàng xin phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Tin Cùng Chuyên Mục