Cuộc chiến vương quyền giữa các nhóm
Trong 2 ngày 26/4 và 27/4, ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 (AGM 2020) và ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 (AGM 2021) của Eximbank đã không tổ chức thành công.
“Tôi không hiểu SMBC đang nghĩ gì. Có thể thấy AGM 2020 lần 3 (tổ chức ngày 26/4 - PV) thì họ tới, còn AGM 2021 (tổ chức ngày 27/4 - PV) họ lại không tới. Thực tế, tôi không còn làm việc ở SMBC nữa, cho nên tôi không thể biết được chiến lược cũng như ý định của họ là gì. Và với vai trò là một ngân hàng cỡ lớn mang tính toàn cầu, tôi thực sự bất ngờ khi họ từ chối tham dự Đại hội đồng cổ đông như vậy”, ông Yasuhiro Saitoh nói bên lề đại hội bất thành ngày 27/4.
Ông Yasuhiro Saitoh, Chủ tịch Eximbank là người từng được Tập đoàn Nhật Bản - SMBC cử làm người đại diện phần vốn 15% tại Eximbank nhưng sau đó đã hủy bỏ tư cách đại diện này vào ngày 17/5/2019.
Như vậy, hai ngày liên tiếp Đại hội đồng Cổ đông thường niên Eximbank đều không thành công. Ở ngày thứ hai, ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 (AGM 2021), 41,65% cổ phần không tham dự, trong đó có đối tác chiến lược SMBC. Trước đó, trong ngày 26/4, đại hội cũng không thành công khi gần 55% số phiếu phủ quyết thông qua quy chế ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 (AGM 2020).
Đây không phải lần đầu tiên Eximbank không thể tổ chức thành công ĐHĐCĐ. Vấn đề nội bộ của ngân hàng và sự phân tranh các nhóm cổ đông đã nhiều năm nay. Những diễn biến xảy tới trong bối cảnh Eximbank được cho đang chia thành hai nhóm, cả về cơ cấu sở hữu lẫn trong nội bộ HĐQT.
Căn cứ theo kết quả kiểm phiếu trong phiên AGM 2020 lần 3 ngày 26/4, có thể tính toán ra có một nhóm cổ đông nắm từ 51-52% đã phủ quyết thông qua quy chế. Xuyên suốt các Đại hội từ năm 2019 đến nay, bao gồm cả AGM 2021 vừa diễn ra, nhóm này đều bỏ phiếu phủ quyết không chấp nhận tổ chức. Họ yêu cầu bổ sung đề xuất của SMBC về việc thanh lọc HĐQT hiện tại trước khi bầu HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ tới.
Tuy nhiên, chương trình nghị sự của AGM 2020 lần 3 đã không có đề xuất này. Bên cạnh đó, ngoài nhóm SMBC còn có 2 nhóm cổ đông sở hữu 10-11% đề nghị miễn nhiệm tổng cộng 8/9 Thành viên HĐQT. Đây được cho là nút thắt khiên ĐHĐCĐ không thể diễn ra.
Trước câu hỏi HĐQT không chấp thuận các đề xuất này, bổ sung vào chương trình họp, ông Yasuhiro Saitoh cho rằng HĐQT luôn tuân thủ quy định pháp luật. “Chúng tôi cũng luôn chấp nhận các khuyến nghị, đề xuất của cổ đông và như quý vị có thể thấy là trong chương trình nghị sự, chúng tôi đã có nội dung đó rồi. Còn chấp thuận chương trình đó hay không là quyết định của ĐHĐCĐ chứ không phải chúng tôi”, Chủ tịch Eximbank nói.
Các quyết định gây trái ngược nhau
Một lý do khác nhóm cổ đông đối lập không ủng hộ tổ chức AGM liên quan tới việc HĐQT liên tục có những Nghị quyết phủ quyết nhau, dần hé lộ những rối ren xoay quanh việc tranh chấp vị trí đứng đầu tại ngân hàng này.
Khởi đầu lùm xùm là Nghị quyết 231 năm 2019 do ông Lê Minh Quốc ký về việc huỷ hiệu lực của Nghị quyết 112 ban hành trước đó. Nghị quyết số 112 được Eximbank công bố với nội dung cốt lõi là bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế cho ông Lê Minh Quốc đảm nhận chiếc “ghế” Chủ tịch HĐQT.
Nhưng ngay sau khi nghị quyết này được công bố, ngày 25/3/2019, ông Lê Minh Quốc đã có đơn khởi kiện gửi Tòa án Nhân dân (TAND) Quận Đống Đa.
Trong đó, như đã tiết lộ với truyền thông, ông Quốc cho rằng việc tổ chức phiên họp HĐQT ngày 22/3/2019 để rồi thông qua Nghị quyết số 112 có nhiều sai phạm như: chưa đủ thành viên tiến hành cuộc họp, trình tự triệu tập cuộc họp không đúng quy định…
Vì những lý do này, ông Lê Minh Quốc đã đề nghị hủy bỏ Nghị quyết số 112 và buộc “nhóm” 7 thành viên HĐQT Eximbank phải tạm dừng việc thực hiện nghị quyết này.
Được biết, 7 bị đơn là Thành viên HĐQT Eximbank được nhắc tới là những thành viên đã tham gia cuộc họp HĐQT Eximbank ngày 22/3/2019 thông qua nghị quyết bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc.
Tới ngày 27/3/2019, sau khi thụ lý hồ sơ, TAND Quận Đống Đa (Hà Nội) đã ban hành Quyết định số 92 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời , buộc các bị đơn và Eximbank phải tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112. Tới ngày 15/5, ông Quốc ký Nghị quyết số 231, theo đó, cuộc “đổi ngôi” tại vị trí Chủ tịch HĐQT xem như chưa hề diễn ra và ông Quốc vẫn giữ vai trò Chủ tịch. Tuy nhiên, trước đó, ngày 14/5, Tòa án đã hủy quyết định tạm dừng Nghị quyết 112, như vậy, bà Lương Thị Cẩm Tú là Chủ tịch tại thời điểm ông Quốc ban hành Nghị quyết 231.
“Chúng tôi làm gì cũng tuân thủ quy định pháp luật thôi. Về cơ bản, các thành viên HĐQT đã họp và ra Nghị quyết 231 huỷ Nghị quyết 112. Từ đó đến nay là 2 năm, các anh chị cũng thấy là ngân hàng hoạt động cũng được, nếu không là cũng mệt cho ngân hàng, mệt cho cổ đông và ảnh hưởng cả nền kinh tế”, ông Quốc trả lời ngày 27/4 vừa qua.
Cách đây ít lâu, HĐQT Eximbank lại có 2 Nghị quyết gây tranh cãi khác, một là miễn nhiệm ông Saitoh và bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Thông làm Chủ tịch HĐQT, và chỉ 55 phút sau, lại có Nghị quyết miễn nhiệm ông Thông, bầu lại ông Saitoh làm Chủ tịch. Điều này gây nhiều băn khoăn cho cổ đông. Một lần nữa, ông Lê Minh Quốc cho rằng ông Saitoh có lý do chính đáng, có lý do cá nhân để từ chức. HĐQT sau khi thảo luận thì cũng đã chấp nhận.
Tuy nhiên, theo ông Quốc, việc bầu ông Thông làm Chủ tịch do theo Điều lệ thì chủ tọa cuộc họp HĐQT phải là Chủ tịch. Ông Thông được bầu Chủ tịch tạm thời để giữ chức chủ toạ cuộc họp để mọi chuyện đều đúng theo quy định.
“HĐQT sau đó đã thảo luận rất nhiều và cuối cùng cũng thuyết phục anh Saitoh ở lại làm vì thời gian tới ĐHĐCĐ cũng chỉ còn rất ngắn. Anh Saitoh phải hi sinh lắm mới ngồi cái ghế đó. Anh Saitoh sẽ ngồi ghế này cho tới khi bầu được HĐQT mới”, ông Quốc nói.
Lời giải thích được ông Yasuhiro Saitoh, Chủ tịch Eximbank và ông Lê Minh Quốc, Cựu Chủ tịch đưa ra trước các lùm xùm bất đồng giữa các nhóm cổ đông tại ngân hàng này. Câu chuyện nhiều năm chưa được giải quyết, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của ngân hàng.