Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), tức ngân hàng trung ương của nước này, đang nghiên cứu cho phép các công ty công nghệ tài chính mở ngân hàng chỉ hoạt động trong không gian kỹ thuật số, tương tự như tại một số nền kinh tế châu Á khác.
Theo tin từ Reuters, Singapore và các trung tâm tài chính khác của khu vực như Hồng Kông, Seoul và Tokyo đang nỗ lực giành vị thế đi đầu về công nghệ tài chính (fintech). Trong những năm gần đây, các trung tâm này đều triển khai nhiều biện pháp như cấp vốn nhà nước, nới lỏng quy chế giám sát và cho phép các công ty khởi nghiệp (start-up) thử nghiệm các sản phẩm tài chính trong môi trường có kiểm soát.
"Các công ty công nghệ và phi tài chính khác đã có những bước tiến lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số, qua đó tạo ra những giá trị to lớn cho người tiêu dùng. Một số công ty như vậy đã thiết lập các ngân hàng chỉ hoạt động trong không gian kỹ thuật số, có thể là tự vận hành hoặc thông qua hợp tác với các ngân hàng truyền thống", MAS viết trong một bức thư trả lời câu hỏi của Reuters.
"MAS hiện đang cân nhắc cho phép hoạt động ngân hàng ảo thuộc các công ty phi tài chính như vậy".
MAS cho biết đang hợp tác với các bên hữu quan để xác định giá trị mà các ngân hàng ảo có thể mang lại cho ngành ngân hàng của đảo quốc sư tử và "hiểu rõ cách thức kiểm soát và quản lý các rủi ro tiềm tàng".
Năm nay, cơ quan điều tiết ngân hàng Hồng Kông đã cấp phép hoạt động ngân hàng ảo cho 4 công ty, bao gồm công ty công nghệ tài chính WeLab Digital Limited.
Tại Hàn Quốc, nhà chức trách cũng đã cấp phép cho hai ngân hàng ảo, trong đó có Kakao Bank được cấp phép vào năm 2017. Vận hành ngân hàng ảo này là công ty đứng sau ứng dụng nhắn tin lớn lớn nhất Hàn Quốc Kakao Talk.
Singapore, một trung tâm dịch vụ tài chính hàng đầu thế giới, là nơi đặt trụ sở của ba ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nước này, gồm DBS Group, OCBC, và United Overseas Bank.
Tuy nhiên, có tới hơn 200 ngân hàng đang hoạt động ở Singapore và ngày càng nhiều nhà băng đặt trụ sở khu vực tại nước này.