Những siêu doanh nghiệp "trên giấy"
Tháng 5/2021, vốn đăng ký doanh nghiệp cả nước ghi nhận sự đột biến, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Bất ngờ tại TP.HCM, một doanh nghiệp thành lập mới đăng ký vốn lên tới 21,5 tỷ USD.
Hầu hết trong số này (99,996%) là do một cá nhân tên Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986) góp vốn. Ông Quốc Anh và doanh nghiệp của ông đăng ký số vốn gấp gần 3 lần tài sản của tỷ phú số 1 Việt Nam - Phạm Nhật Vượng do Forbes công bố.
“Siêu doanh nghiệp” mang tên Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group) đăng ký vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng (hơn 21,5 tỷ USD), đặt trụ sở tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower, TP HCM, do ba cổ đông cá nhân góp vốn. Ngoài ông Quốc Anh góp hầu hết, hai người khác là Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện, mỗi người đăng ký góp 1 tỷ đồng, tương đương 0,002% vốn điều lệ.
Quy mô vốn của Auto Investment Group vượt xa các doanh nghiệp hàng đầu thị trường hiện nay như Vingroup, Vietcombank, thậm chí bao gồm cả chỉ tiêu vốn hóa. Doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán - Vingroup, hiện có vốn điều lệ hơn 34.000 tỷ đồng, với vốn hóa trên thị trường gần 400.000 tỷ đồng. Á quân Vietcombank có vốn điều lệ 37.000 tỷ đồng và vốn hóa hơn 360.000 tỷ đồng, đều thấp hơn “siêu doanh nghiệp trên".
Bên cạnh đó, các “đại gia" trên còn góp vốn vào một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu (GAB Group), với vốn điều lệ đăng ký là 25.000 tỷ đồng, đặt trụ sở tại tầng 72, tòa nhà Landmark 81, TP.HCM.
Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh giữ vai trò đại diện theo pháp luật và tổng giám đốc cả hai doanh nghiệp khủng với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất phần mềm.
Trước đó, đầu năm 2020, USC Interco - một doanh nghiệp đã đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỷ đồng (tương đương 6 tỷ USD) - một con số gần như không tưởng khi là mức vốn điều lệ lớn thứ ba cả nước ở thời điểm đó.
Doanh nghiệp trên giấy: Làm sao để quản?
Ngày 14/4/2020, phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - đầu tư TP. Hà Nội đã thu hồi giấy đăng ký kinh doanh đã cấp cho USC Interco, chính thức "khai tử" doanh nghiệp này. Kết quả xác minh cho thấy chủ doanh nghiệp đã sử dụng căn cước công dân giả để đăng ký doanh nghiệp. Bà Kim Thị Phương, một trong ba cổ đông của doanh nghiệp này đã thừa nhận số vốn 144.000 tỷ là do hai cổ đông còn lại "say rượu, đăng ký nhầm".
Với việc doanh nghiệp đăng ký vốn khủng, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết cơ quan chức năng luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đăng ký kinh doanh. “Tất nhiên chúng tôi có xác minh khi nhận thấy bất thường nhưng trên tinh thần không tiền kiểm, nếu doanh nghiệp xác định rõ mong muốn cơ quan sẽ tiến hành cấp giấy phép kinh doanh với số vốn như đăng ký”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục cũng cho biết với những trường hợp bất thường cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi và tiến hành hậu kiểm. Trong thời hạn 90 ngày góp vốn, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, nếu các cổ đông không góp đủ vốn, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu điều chỉnh vốn đăng ký về mức thực tế. “Với những trường hợp vi phạm sau hậu kiểm, Nghị định Xử phạt về vi phạm hành chính sẽ điều chỉnh”, ông Tuấn cho hay.
Khoản 5 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2014 đã có quy định nghiêm cấm hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị. Đồng thời, quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP nêu rõ, hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Khoản 5 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3.
Tuy nhiên, đến sáng ngày 18/8 – hạn cuối để góp vốn theo quy định pháp luật, doanh nghiệp của Nguyễn Vũ Quốc Anh vẫn chưa hề có động thái gì.