Lũy kế đến nay, tỉnh có 10.731 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng vốn đăng ký hơn 137.455 tỷ đồng.
Tiếp đến, tỉnh cấp mới 1 chủ trương đầu tư với quy mô 8,18 ha, vốn đầu tư 330 tỷ đồng, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án và đến nay, trên địa bàn tỉnh có 805 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 390.400 tỷ đồng. Trong đó, có 373 dự án đi vào hoạt động.
Tỉnh Kiên Giang rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, thực hiện hiệu quả quy trình một cửa giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đã rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập mới doanh nghiệp giảm xuống còn 1,5 ngày, cấp đăng ký thay đổi giảm còn 1 ngày.
Để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Các đơn vị chức năng hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, tuyên truyền; nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất...
Cùng đó, Chi nhánh ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhất là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai được tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng nhằm duy trì, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Các tổ chức tín dụng đánh giá từng khách hàng bị ảnh hưởng, khả năng thanh toán nợ vay, những khó khăn, vướng mắc… để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn - giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi… Năm 2021, tỉnh Kiên Giang phấn đấu thành lập khoảng 1.400 doanh nghiệp.
Tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Theo đó, các ngành chức năng hữu quan tập trung theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gặp gỡ, trao đổi để kịp thời đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là về vốn tín dụng, nguồn nguyên liệu, lao động, thị trường, miễn - giảm thuế…
Đối với doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, tỉnh hỗ trợ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nhất là những sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của doanh nghiệp.
Tỉnh tăng cường kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng… bảo vệ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả. Quý I/2021, tỉnh Kiên Giang có gần 200 doanh nghiệp ngừng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19 quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.