Chiều 28/12, các Sếp "Cơ hội cho ai" đã có buổi trò chuyện ngắn với sinh viên trường đại học Kinh tế quốc dân về cơ hội nghề nghiệp, cũng như những định hướng cho các bạn trẻ về việc nên khởi nghiệp hay đi làm thuê khi ra trường.
Chương trình có sự tham gia của các diễn giả là các sếp trong chương trình "Cơ hội cho ai? - Whose chance?": Sếp Lê Đức Thuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc (BNA), Sếp Lưu Nga - nhà sáng lập - Chủ tịch HĐQT Công ty thời trang Elise.
Ngoài ra, Sếp Phạm Thanh Hưng - Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Thế kỷ CenGroup tuy không ngồi ghế nóng mùa này nhưng vẫn góp mặt chia sẻ. Buổi tọa đàm được điều phối bởi ông Cao Thế Anh - Chủ tịch HĐQT Alo Media kiêm tổng đạo diễn chương trình "Cơ hội cho ai?".
"Trời mưa bão thì chúng ta tìm cách đi trong mưa bão"
Nói về biến cố Covid-19, Sếp Phạm Thanh Hưng nhận định "Nhìn chung mọi người vẫn đang rất lo lắng về Covid-19 đã xảy ra và hậu quả của nó. Rất nhiều doanh nghiệp nói về việc cắt giảm biên chế, cắt giảm lương.
Đó là một phản ứng rất tự nhiên, phòng vệ, co cụm lại ngủ đông, với hy vọng là đợi Covid-19 qua chúng ta sẽ khôi phục. Trên thực tế, nếu doanh nghiệp nào vượt qua được sự bản năng đó, thì mới gọi là vượt qua khủng hoảng một cách vẻ vang, tận dụng được cơ hội để vượt qua đối thủ lẫn những khó khăn của thị trường.
Trên đời này có 3 việc chúng ta phải làm, đó là việc của mình, việc của người và việc của trời. Covid-19 là việc của trời, chúng ta chỉ có thể chấp nhận thôi. Trời mưa trời bão thì chúng ta tìm cách đi trong mưa, trong bão. Cái chính là chúng ta phải tập trung lo việc của mình.
Những việc mà lúc chưa dịch, bận rộn chúng ta chưa làm được, như đào tạo, tập huấn, xem xét lại quy trình, cải tiến chỗ này chỗ kia, thì lúc giãn cách xã hội là thời điểm tốt để chúng ta làm việc của mình. Cá nhân tôi và doanh nghiệp đã vượt qua Covid-19 một cách ngoạn mục", Sếp Hưng chia sẻ. Ngoài ra, vị Sếp này cũng tiết lộ mặc dù dịch bệnh nhưng Cen Group vẫn tự hào vì đạt được doanh số dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng cho năm 2020.
Nói về cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ sau dịch, Sếp Hưng cho rằng khó khăn là điều tất yếu và cơ hội nghề nghiệp cũng ít dần đi. Đầu tiên là chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thứ hai là chúng ta trải qua giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cách mạng 4.0 thay đổi rất nhiều điều, mà điều kinh hoàng không phải sự thay đổi mà là tốc độ của sự thay đổi. Chúng ta cũng đang đứng trước các vấn đề khủng hoảng về chính trị - xã hội, thương mại, hoàn toàn ảnh hưởng đến việc làm.
Sự ảnh hưởng của Covid-19 thúc đẩy sự chuyển đổi số, điều này ảnh hưởng đến việc làm của các bạn trẻ. Những loại công việc lặp đi lặp lại một cách giản đơn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những dịch vụ phục vụ nhu cầu căn bản của con người thì sẽ duy trì ổn định tốt. Nhưng những ngành ở tháp nhu cầu cao hơn, như du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí,… sẽ bị ảnh hưởng.
Dù vậy Covid-19 rồi sẽ qua, dù dịch có kéo dài thêm vài năm nữa thì đây cũng chỉ là những bước sự nghiệp đầu đời của các bạn sinh viên, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi cơ cấu việc làm của các bạn trẻ rất nhiều.
Đồng tình quan điểm trên, song Sếp Thuấn (Bảo Ngọc) cho rằng hiện nay cơ hội vẫn còn rất nhiều, thậm chí nhiều công ty đang có chế độ đãi ngộ rất hấp dẫn: "Tôi tin là công ty của tôi hay của anh Hưng, chị Nga đều luôn trong tình trạng thiếu nhân sự làm được việc. Chúng tôi luôn đưa ra những chính sách, đãi ngộ, thậm chí đưa ra chính sách thưởng 6 tháng lương, nhưng 3 năm nay vẫn luôn trong tình trạng thiếu nhân sự được việc. Cơ hội thì rất nhiều, nhưng nó phải gắn với điểm mạnh của các bạn".
Làm thuê chưa tốt thì đừng mong làm chủ
Bàn về vấn đề có nên khởi nghiệp hay học lên Thạc sĩ sau khi ra trường, Sếp Thuấn (Bảo Ngọc) khẳng định không có lời khuyên nào là hợp lý ngay thời điểm này. Nếu các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong doanh nghiệp, thì vị Sếp Bảo Ngọc cho rằng nên đi làm vài năm rồi sau đó đi học thạc sĩ. Khi đã có kinh nghiệm, trải nghiệm rồi thì học lên thạc sĩ.
"Tôi biết được có những trường hợp học rất cao nhưng phải giấu bằng đi, vì họ xin vào những vị trí rất thấp. Đó là thực tế, vì sẽ không có nhà tuyển dụng nào tuyển người có bằng cấp cao vào vị trí thấp vì có thể chỉ vì họ cần việc. Mà cần việc thì chỉ tại thời điểm đó thôi, còn mai thì có thể nhảy sang nơi khác ngay. Mà một Doanh nghiệp thì luôn muốn tuyển những người vào phát triển tại doanh nghiệp ở một thời gian nhất định nào đó", Sếp Thuấn cho lời khuyên.
Sếp Lưu Nga (Elise) lại cho rằng, mỗi người một định hướng riêng, lựa chọn ra sao là tùy vào khả năng của bản thân: "Nếu các bạn trẻ muốn thăng tiến trong công việc nhờ vào bằng cấp, thì tôi khuyên là nên đi học luôn. Việc đi học luôn sẽ giúp mình đỡ ngại, chứ đi làm vài năm rồi lại sắp xếp đi học lại sẽ ngại đấy.
Còn em nào muốn khởi nghiệp, xem học tập là cả 1 hành trình dài, thì có thể tạm hoãn học thạc sĩ một vài năm, thử nghiệm những kiến thức mình học được trên ghế nhà trường ứng dụng ngoài đời như thế nào rồi hãy quyết định đi học tiếp. Tôi nghĩ việc học lên thạc sĩ hay không, không quá quan trọng".
Nói về thời điểm khởi nghiệp phù hợp, Sếp Hưng đưa ra những quan điểm khá khắt khe và thẳng thắn: "Hành trang khởi nghiệp thì rất nhiều, nhưng để trở thành 1 người hiệu quả thì chúng ta cần 3 điều là "A.S.K". Trong đó, A nghĩa là Attitude là thái độ, chúng ta có thái độ như thế nào với công việc, cống hiến hay đòi hỏi. Chữ S là skill - các kỹ năng.
Kỹ năng thì có rất nhiều, nhưng trong đó có những nhóm kỹ năng dành cho tất cả mọi người và 1 số kỹ năng chỉ dành cho những người ở 1 vị trí nào đó.
Kiến thức chuyên môn, nền tảng là quan trọng, thêm nữa là kiến thức tổng quát liên quan đến xung quanh lĩnh vực bạn làm, tiếp nữa là kiến thức điều hành, làm thế nào để tổ chức công việc, quản lý dự án. Kiến thức thì có trong quá trình ngồi ghế nhà trường. Kỹ năng thì năng làm thì nó kỹ, phải thực hành thường xuyên. Không ai học bơi trong lúc ngồi trên giường cả.
Hiện nay, phong trào khởi nghiệp rất hot. Hot đến nỗi mà cứ 4 bạn sinh viên Việt Nam ra trường thì có 1 bạn muốn khởi nghiệp, 3 bạn đi làm thuê, thì lấy đâu ra doanh nghiệp vài nghìn nhân sự như chúng tôi. Thế nên các bạn "chết" rồi đi làm thuê là chuyện bình thường.
Làm thuê còn không xong thì đừng mong làm chủ. Các bạn phải làm thuê thật tốt, làm thuê với tinh thần của người làm chủ, thì khi đó ra làm chủ mới tốt được. Các bạn hãy cứ đi làm thuê vài năm, tích lũy kỹ năng và một chút tiền bạc rồi hãy khởi nghiệp".
Rút lại bài chia sẻ với quan điểm có nên mua nhà trước tuổi 30, Sếp Nga (Elise) cho rằng hạnh phúc không phụ thuộc vào mình có bao nhiêu tiền. Điều quan trọng là chúng ta hãy cảm nhận hạnh phúc trong giới hạn hiện nay của mình và hãy cố gắng làm tốt công việc hiện nay một cách nỗ lực nhất, như vậy là thành công rồi.
Nếu mọi người có quan niệm mua được cái nhà mới gọi là thành công thì sẽ rất đau khổ. Trân trọng những thứ đang có thì mình sẽ mua được rất nhiều thứ trong tương lai.
Sếp Hưng hỏm hỉnh nói vui rằng con đường ngắn nhất đến thành công là đi qua đường Láng Hạ. "Thật ra các bạn rất hay nhầm lẫn giữa ước muốn và mục tiêu. Ước muốn luôn cao hơn một chút so với nhu cầu. Còn mục tiêu thì phải "smart", tức là phải có đường hướng, kế hoạch, phải khả thi. Các bạn cứ nói em muốn thế này em muốn thế kia, thực tế đó chỉ mới là ước muốn, chưa phải là mục tiêu", vị sếp CenGroup đúc kết.
Link bài gốc