Ngày pháp luật

Shark Hưng bảo “khởi nghiệp” khác “lập nghiệp” nhưng GS. Phan Văn Trường phản biện: Ai rồi cũng phải khởi nghiệp, phần lớn thất bại do chờ đợi quá nhiều

Theo vị Giáo sư, thay vì áp đặt mô hình từ nước ngoài thì hãy tận dụng những giá trị của chính mình. Đồng thời, phải rút ra bài học sau mỗi lần thất bại.

Trong một buổi chia sẻ với sinh viên Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia) gần đây, shark Phạm Thanh Hưng cho rằng các bạn trẻ không nên nhầm lẫn giữa khởi nghiệp với lập nghiệp hay kế nghiệp.

Theo đó, khởi nghiệp tức phải khởi tạo ra công việc mới, nghề nghiệp mới. Ví dụ, Uber, Grab hay Airbnb là khởi nghiệp, Gojek, be chỉ nên coi là lập nghiệp.

Trái ngược với quan điểm này, trong một cuộc trò chuyện gần đây, GS. Phan Văn Trường nhận định: “Ai cũng phải khởi nghiệp hết, đến năm 20-25 tuổi thì chúng ta đều phải khởi nghiệp. Chữ “khởi nghiệp” mà tôi dùng có chứa đựng cả chữ “lập nghiệp”.

Chúng ta phải bắt đầu cuộc đời bằng việc tạo nên một cơ đồ. Lý do thực sự tại sao số đông lại thất bại vì họ chờ đợi nhiều quá, cho rằng trong 6 tháng phải trở thành tỷ phú như Bill Gates. Nếu từ bỏ ý tưởng rằng có thể khởi nghiệp thành công trong 6 tháng thì tức các bạn đã đứng về phía khởi nghiệp thành công rồi.”

Thất bại vì không tin mình có giá trị

GS. Phan Văn Trường dẫn câu chuyện của nhà sáng lập hãng gán rán KFC, từng thất bại rất gần như suốt cuộc đời và thậm chí có ý định tự tử khi đã 65 tuổi, nhưng rồi lại trở thành triệu phú ở tuổi 88 nhờ kinh doanh món gà rán “sở trường” của mình.

“Đó là vì ông ấy đã cầm sẵn trong tay một giá trị nhưng trước đó chưa khai thác được. Một trong những lý do có thể khiến các bạn thất bại đó là không tin rằng trong tay mình đang nắm giữ giá trị. Các bạn chỉ đi tìm mô hình của người khác nhưng giá trị đó lại tiềm tàng trong con người bạn.”

Shark Hưng bảo “khởi nghiệp” khác “lập nghiệp” nhưng GS. Phan Văn Trường phản biện: Ai rồi cũng phải khởi nghiệp, phần lớn thất bại do chờ đợi quá nhiều - Ảnh 1

Ông cho rằng nhiều người Việt có xu hướng bắt chước, sao chép mô hình từ nước ngoài. Tuy nhiên, ai cũng là phiên bản duy nhất của chính mình, ai cũng có giá trị riêng, đặc sắc riêng.

Vì vậy đừng áp đặt mô hình, lợi thế của người khác vào chính mình mà hãy phát triển dựa trên chính sở trường của bản thân. Đồng thời, mơ “làm giàu” thay vì mơ “làm bạc tỷ” như Bill Gates, bởi công ty và tài sản của họ cũng đã bị thị trường chứng khoán thổi phồng lên rất nhiều lần.

Tạo ra sản phẩm mới chỉ tương ứng 10% thành công

Đây là lời khuyên mà GS. Phan Văn Trường dành cho những người trẻ làm startup. Bởi khi bạn nghĩ ra một ý tưởng thì trên thế giới cũng có rất nhiều người có ý tưởng, sản phẩm tương tự.

Để cạnh tranh với những đối thủ đó, fiunder phải phát triển được đội ngũ ổn định trong một thời gian dài.

“Đây là một việc rất khó khăn. Khởi nghiệp, các bạn có thể vui vẻ với nhau 3-6 tháng đầu nhưng nếu sau 1 năm, sản phẩm chưa bán được thì ta khó có thể trả lương cao cho đồng đội. Những đồng đội, đối tác không thể chờ đợi thêm và từ bỏ. Nếu không giữ được đồng đội, đối tác đủ lâu, khoảng 4-5 năm thì chắc chắn sẽ thất bại.”

Đồng thời, hành trình khởi nghiệp không thể tránh khỏi những thất bại. Theo vị Giáo sư, chỉ khi nào thực sự hiểu được nguyên nhân thất bại thì mới nên bắt đầu khởi nghiệp lại. Nếu chỉ mơ hồ, không rút ra được bài học từ lần vấp ngã trước thì tức là bạn đã chuẩn bị cho một thất bại mới.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục