Văn phòng xanh không chỉ là xu thế ở Việt Nam mà ở toàn khu vực, đây là nhận định của bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội.
Theo Savills, năm 2020 mới có toà nhà đạt chứng chỉ xanh đầu tiên ở Hà Nội. Đến 2024, số lượng này đã tăng lên nhiều. Riêng trong năm 2024, có 3 toà nhà xanh ra mắt thị trường. “Dự kiến đến đến năm 2025, 10% các toà nhà văn phòng sẽ là văn phòng xanh,” bà Mai cho biết. Tuy nhiên, bà Mai cũng chia sẻ rằng tiến trình chuyển đổi từ mô hình văn phòng truyền thống sang văn phòng xanh của Việt Nam muộn so với thế giới và khu vực.
Tỷ lệ nguồn cung văn phòng xanh của các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt trung bình khoảng 40%. Nổi bật nhất là Singapore với 95% tỷ lệ nguồn cung văn phòng xanh.
Theo bà Mai, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các toà nhà văn phòng xanh.
Bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản, Savills Hà Nội, cho biết Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã tích cực đưa ra những văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để thực hiện cam kết này. “Đây chính là cơ sở vững chắc để xây dựng và phát triển các toà nhà văn phòng xanh, phù hợp với định hướng phát triển chung của Việt Nam cũng như xu thế của thế giới,” bà Hạnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, văn phòng xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư. Theo bà Hạnh, toà nhà xanh sẽ giảm thiểu chi phí vận hành hàng năm, giải quyết bài toán về chi phí đầu tư dài hạn, tiết kiệm cho chủ đầu tư.
Với toà nhà có chứng chỉ xanh sẽ dễ dàng thu hút các khách hàng là công ty đa quốc gia cũng như các khách hàng có cam kết lâu dài với chủ đầu tư. “Khi tỷ lệ lấp đầy cao và giá cho thuê tốt hơn đồng nghĩa với việc quá trình thu hồi vốn của của đầu tư sẽ được rút ngắn,” bà Hạnh chia sẻ.
Dự kiến đến 2025, 10% các toà nhà văn phòng sẽ là văn phòng xanh. Theo bà Hạnh, các toà nhà văn phòng xanh sẽ chủ yếu tập trung vào phân khúc hạng A.
Theo Savills, đến năm 2026, riêng thị trường Hà Nội dự kiến sẽ có 480.723 m2 sàn từ 19 dự án. Văn phòng hạng A sẽ chiếm 75% thị phần với 14 dự án, trong đó 60% nguồn cung hạng A sẽ đến từ khu vực phía Tây.
Hiện nay, điều các chủ đầu tư cân nhắc xây dựng và phát triển toà nhà văn phòng xanh đó làchi phí đầu tưcao hơn so với văn phòng truyền thống.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội Trịnh Huỳnh Mai chỉ ra rằng để một toà nhà văn phòng đạt được chứng chỉ toà nhà xanh, cần nhiều yếu tố. Yếu tố cơ bản nhất liên quan đến vật liệu và chất liệu xây dựng, những thiết bị lựa chọn phải bền vững và thân thiện với môi trường. Tức là ngay từ khi bắt đầu và trong toàn bộ quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã phải thiết kế, lựa chọn kỹ lưỡng vật liệu đáp ứng tiêu chuẩn để đạt chứng chỉ xanh. Việc này khiến chi phí đầu tư ban đầu sẽ cao hơn.
Tương tự, với các toà nhà đang hoạt động rồi, chủ đầu tư sẽ phải cải tạo, sửa đổi để đáp ứng được các tiêu chí xanh. Hiện nay, có nhiều loại chứng chỉ xanh như LEED, GOLD,… Do đó, tuỳ thuộc mục đích của chủ đầu tư muốn đạt được chứng chỉ nào, thì sẽ cần phải xây dựng để đáp ứng theo những tiêu chí riêng của từng loại chứng chỉ.
“Mặc dù đầu tư ban đầu cho toà nhà văn phòng xanh sẽ tốn nhiều chi phí, nhưng sẽ tối ưu về chi phí vận hành trong lâu dài,” bà Mai tin tưởng và cho biết điều này phù hợp với xu hướng phát triển bền vững chung của toàn thế giới.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý II/2024 của Savills, đến năm 2026 thị trường văn phòng Hà Nội dự kiến sẽ có 480.723 m2 sàn từ 19 dự án. Trong đó, văn phòng hạng A sẽ chiếm 75% thị phần với 14 dự án, trong đó 60% nguồn cung hạng A sẽ đến từ khu vực phía Tây.
Các dự án nổi bật bao gồm văn phòng Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, BRG Diamond Park Plaza, Taisei Square Hà Nội và Tiến Bộ Plaza. Đáng chú ý, các dự án này đều đang được xây dựng theo tiêu chuẩn để đạt được chứng chỉ văn phòng xanh.“Thị trường đang chứng kiến sự tích cực của các nhà đầu tư vào phân khúc văn phòng xanh, tập trung vào phân khúc hạng A” bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết.