UBND tỉnh Hà Giang vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung sân bay tại tỉnh này vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, địa phương muốn quy hoạch sân bay Hà Giang tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang theo tiêu chuẩn cảng hàng không quân sự cấp II và cấp 4C theo tiêu chuẩn hàng không dân dụng. Sân bay này sẽ có quy mô khoảng 388 ha, trong đó diện tích sử dụng cho mục đích quân sự là 70 ha.
Quy hoạch sân bay
Sơn La muốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng xây sân bay trước năm 2030
Xem thêm
“Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, địa phương sẽ khẩn trương xác định mốc giới, công bố quy hoạch và quản lý ranh giới, quy hoạch sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xây dựng sân bay lưỡng dụng quân sự và dân dụng”, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho biết và khẳng định việc đầu tư xây dựng sân bay là một chủ trương lớn, tạo bước đột phá làm động lực phát triển kinh tế xã hội tỉnh này.
Phong trào địa phương đề nghị xây sân bay đã “nở rộ” thời gian qua. Trước Hà Giang, nhiều địa phương đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung xây dựng sân bay của tỉnh vào quy hoạch như Ninh Bình, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng.
Mới đây nhất là Sơn La đã đề nghị bổ sung dự án sân bay Nà Sản vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 dù trước đó đơn vị tư vấn quy hoạch tổng thể đánh giá hiệu quả kinh tế chưa cao
Tại Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không bao gồm 14 cảng quốc tế, 12 cảng nội địa. Trong đó, 5 cảng hàng không quốc tế cửa ngõ gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành.
Trong định hướng đến năm 2050, lượng các sân bay trong nước sẽ lên tới con số 30, một nửa dành cho quốc tế. Riêng cảng hàng không thứ 2 cho vùng thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040.