Sau loạt lùm xùm, Quốc Cường Gia Lai còn lại gì?

Trung Hiếu

Quốc Cường Gia Lai kinh doanh ở 3 mảng chính gồm bất động sản, thủy điện và cao su. Trong đó, thủy điện là mảng ăn nên làm ra nhất hiện nay, song công ty đã có quyết định bán 2 nhà máy thủy điện để cơ cấu khoản đầu tư.

Cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai liên tục giảm sâu
Cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai liên tục giảm sâu

Cổ phiếu giảm “không phanh”

Phiên ngày 19/7, cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã: QCG) giảm sàn xuống 9.070 đồng/cp với lực bán mạnh hơn 2,7 triệu đơn vị giá sàn.

Đà giảm của QCG bắt đầu từ khi bà Nguyễn Thị Như Loan – Tổng Giám đốc công ty vắng mặt tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 30/6 vì lý do sức khỏe. Trong vòng 1 tháng, cổ phiếu mất 35,2% giá trị, vốn hóa công ty giảm khoảng 1.300 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của Quốc Cường Gia Lai cô đặc với tỷ lệ sở hữu của riêng bà Loan và con gái Nguyễn Ngọc Huyền My đã chiếm đến 51,3%. Bởi vậy, sự có mặt hay vắng mặt của bà Loan có ý nghĩa quan trọng giúp đại hội thành công. Chiều ngày 19/7, Cơ quan CSĐT Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Nguyễn Thị Như Loan về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Quyết định được đưa ra sau khi Bộ Công an điều ra mở rộng sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng đơn vị liên quan; trong đó có sai phạm tại dự án khu đất 39 – 39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM. Quốc Cường Gia Lai từng có phản hồi về vụ việc là bên mua ngay tình, không liên quan đến Tập đoàn Cao su. Công ty đã mua 100% vốn Công ty THNN Phú Việt Tín – chủ đầu tư dự án 39 – 39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM với giá 464,2 tỷ đồng nhưng chưa bao giờ làm việc, đàm phán trực tiếp với Tập đoàn cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa.

Bán 2 nhà máy thủy điện khi kinh doanh khó khăn

Quốc Cường Gia Lai xuất phát từ cơ sở khai thác chế biến gỗ xuất khẩu ở Gia Lai. Từ năm 2005, công ty bắt đầu chuyển hướng tập trung đẩy mạnh lĩnh vực bất động sản TP.HCM.

Hiện nay, doanh nghiệp tập trung vào 3 mảng mũi nhọn gồm bất động sản, trồng và khai thác cao su tại Việt Nam và Campuchia, khai thác các thủy điện vừa và nhỏ. Lợi nhuận suy giảm 3 năm gần đây từ 65 tỷ về 7,5 tỷ đồng do thị trường bất động sản – mảng đóng góp chính trầm lắng.

Trong bối cảnh thị trường đi xuống 2 năm gần đây, doanh thu bất động sản năm 2023 chỉ đạt 209 tỷ đồng, bằng 1/5 năm 2022. Quý I năm nay, Quốc Cường Gia Lai chỉ có 6,6 tỷ doanh thu từ kinh doanh bất động sản.

Ở mảng cao su, doanh thu ghi nhận 60 – 70 tỷ giai đoạn trong 2022 – 2023 nhưng công ty phải chịu lỗ trên chục tỷ mỗi năm.

Còn với mảng thủy điện, doanh thu trên 150 tỷ 2 năm gần đây, biên lợi nhuận gộp 50%. Trong quý I, doanh thu điện đạt 23 tỷ đồng, đóng góp nhiều nhất trong 3 mảng kinh doanh, biên lợi nhuận gộp 27%.

Tuy nhiên, mới đây, doanh nghiệp có quyết định chuyển nhượng dự án và các tài sản thuộc dự án nhà máy thủy điện IAGRAI 2 (công suất 7,5 MW) và nhà máy thủy điện Ayun Trung (13 MW), tổng giá trị 615 tỷ đồng. Mục đích tái cơ cấu khoản đầu tư.

Tại cuối quý I, doanh nghiệp có tổng tài sản 9.516 tỷ đồng, hàng tồn kho chiếm 74% tổng tài sản và còn gần 30 tỷ tiền mặt. Riêng bất động sản dở dang là 6.525 tỷ đồng, chiếm 69% tổng tài sản bao gồm chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến dự án khu dân cư Phước Kiển, Lavida, Central Premium, Marina Đà Nẵng…

Đáng chú ý nhất là dự án Phước Kiển - dự án trọng điểm QCG theo đuổi dự án từ 2007 với quy mô 19 ha, sau đó nâng dần lên 93,3 ha. Đến cuối 2017, QCG rót 5.200 tỷ đồng vào dự án này, chiếm 46% tổng tài sản. Qua nhiều năm, dự án chưa được khởi động do vướng công tác đền bù. Cho đến năm 2023, theo thông tin từ CEO, dự án vẫn còn vài % diện tích đất chưa đền bù được. Theo luật định, công ty phải đền bù 100% mới được thực hiện dự án và không thể thương lượng với các hộ dân.

Về mặt nguồn vốn, doanh nghiệp ghi nhận nợ phải trả ở mức 5.161 tỷ đồng, trong đó nợ vay chỉ khoảng 600 tỷ đồng. Các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác hơn 4.300 tỷ, bao gồm nhận tiền của Sunny cho dự án Phước Kiển 2.883 tỷ đồng, phải trả bên thứ 3 gần 745 tỷ và trả bên liên quan 677 tỷ đồng.

Đối với khoản tiền phải trả Sunny, theo bản án ngày 11/4, Hội đồng xét xử đưa ra quyết định buộc Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ số tiền 2.883 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án. QCG cũng đã kháng cáo phán quyết và yêu cầu chỉ phải trả 1.441 tỷ đồng, số tiền còn lại xin được cấn trừ vào những khoản tiền trước đó đã đưa cho công ty của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Tin Cùng Chuyên Mục