Ngày pháp luật

Sản xuất thoát bẫy thu nhập trung bình: Doanh nghiệp hụt hơi 'kiếm tiền lẻ'

Theo Tuổi trẻ

Doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu song tỉ lệ nội địa hóa còn hạn chế và phần nhiều mới chỉ thu được "tiền lẻ" trong chuỗi giá trị.

Với một nền kinh tế mở cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp Việt Nam dường như đang "hụt hơi" và khó có thể bứt tốc để hóa rồng, hóa hổ. Đó là một thực tế mà không ít doanh nghiệp Việt hiện nay phải đối mặt.

Chỉ đủ duy trì, khó tăng trưởng bứt tốc

Là kỹ sư tốt nghiệp ĐH Bách khoa, anh Nguyễn Văn Tuân - tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng, cơ khí, thương mại Bình Minh - nói rất đam mê với lĩnh vực cơ khí chế tạo nên đã quyết tâm mở công ty riêng. 

Hơn chục năm đầu tư, đến nay Bình Minh đã có một cơ ngơi nhà máy sản xuất, tạo việc làm cho 150 công nhân và có sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, Nhật.

Thế nhưng, thách thức lớn nhất khi tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam không những phải đạt tiêu chuẩn chất lượng mà còn phải có quy mô sản xuất lớn. 

Số lượng doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo còn hạn chế, tỉ lệ nội địa hóa thấp.
Số lượng doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo còn hạn chế, tỉ lệ nội địa hóa thấp.

Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ làm "phụ trợ của phụ trợ" do nguồn lực tài chính eo hẹp, quy mô khiêm tốn, không sắm được máy móc, thiết bị có kỹ thuật, công nghệ tốt hơn.

Thực tế trên dẫn tới tình trạng vừa qua khi dòng vốn đầu tư từ Mỹ có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, một số nhà đặt hàng đến tìm hiểu song Bình Minh vẫn chưa đủ năng lực để đáp ứng.

"Các công ty đa quốc gia yêu cầu sản lượng lớn với các cụm chi tiết. Doanh nghiệp Việt Nam đủ tự tin về kỹ thuật nhưng vốn hạn hẹp nên đi nhanh hơi khó. Nếu tự mình bươn chải đạt doanh thu 500 tỉ đồng/năm thì lợi nhuận cũng chỉ vài tỉ vì còn phải lo cơm ăn áo mặc, tái đầu tư, nên khó bứt tốc tăng trưởng" - anh Tuân nói.

Thách thức doanh nghiệp tham gia sâu chuỗi cung ứng

Theo Bộ Công thương, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước đã được cải thiện. Doanh nghiệp đã có thể cung cấp một số phụ tùng, linh kiện trong lĩnh vực nhựa, cao su, linh kiện nhôm và kim loại cho ôtô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị, điện tử.

Nhờ vậy, tỉ lệ nội địa hóa một số ngành ngày càng tăng như điện tử gia dụng là 30-35%, điện tử phục vụ cho ôtô - xe máy là 40%, sản xuất lắp ráp ôtô tỉ lệ nội địa hóa với xe tải đến 7 tấn là 55%, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên đạt 40%...

Tuy vậy, Bộ Công thương cho hay trên toàn quốc có khoảng 3.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nhựa - cao su, cơ khí, điện tử, sản xuất phụ tùng, linh kiện, nhưng gần 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực và kinh nghiệm tham gia sân chơi lớn quy mô toàn cầu. 

Do không có nhiều nhà cung cấp nên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước và phải nhập khẩu hoặc tự sản xuất.

Trong khi nếu so sánh với riêng quận Oita, một trong 23 quận của thành phố Tokyo (Nhật), có hơn 3.000 doanh nghiệp chế tạo; tỉnh Kanagawa có 60.000 doanh nghiệp chế biến chế tạo tương đương với số doanh nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam năm 2017 là 75.000 doanh nghiệp.

Theo Bộ Công thương, doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi, chủ yếu tham gia vào các công đoạn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, chưa phát triển được thương hiệu. Đặc biệt, mối liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI lỏng lẻo. 

Công nghiệp phụ thuộc vào FDI, khâu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; linh kiện phụ tùng phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu... đặt ra nhiều thách thức lớn cho doanh nghiệp trong việc thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu với giá trị gia tăng cao.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục