"Tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Đâu là câu trả lời chung cho những trăn trở ngàn năm đó của Việt Nam?", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã mở đầu Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam bằng câu hỏi đầy trăn trở như vậy.
"Đó là công nghệ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Theo Bộ trưởng Hùng, trong bối cảnh cuộc cách mạng số, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, VIệt Nam có thể tận dụng những cơ hội mới và thời cơ có một không hai để phát triển, thậm chí là đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu.
"Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta. Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại VIệt Nam".
"Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là để Make in Vietnam. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và bẫy thu nhập trung bình", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định mạnh mẽ.
Lý giải cụ thể hơn, Bộ trưởng Hùng cho biết ngày nay, bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Những công ty nào áp dụng công nghệ để thay đổi sản phẩm, thay đổi cách tạo ra sản phẩm, thay đổi mô hình kinh doanh thì chính họ sẽ góp phần định hình lại thế giới. Chính vì thế mà phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được coi là ưu tiên số 1 hiện nay.
"Có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã thành danh về công nghệ, đã đến lúc về Việt Nam hoặc hãy kết nối Việt Nam để xây lên những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi.
Để tạo động lực cho người tài trở về và phát triển, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện cần thiết để họ thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới. Đặc biệt là cách tiếp cận Sandbox: Điều gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn. Những ‘đặc khu công nghệ’, ‘đặc khu đổi mới sáng tạo’, với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ, cũng có thể được chính phủ xem xét.
Tuy nhiên, như bất cứ sự chuyển đổi nào, Bộ trưởng Bộ Thông tin cho rằng nền móng của cuộc cách mạng Make in Viet Nam phải bắt nguồn từ câu chuyện của giáo dục, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học và đến môi trường học cả đời.
"Trong số rất nhiều đổi mới giáo dục thì có lẽ dạy ICT và ngoại ngữ phải là bắt buộc từ phổ thông. Gần đây, người ta nói đến mỗi người phải biết đến 3 ngôn ngữ: Ngôn ngữ mẹ đẻ để duy trì văn hoá, ngôn ngữ tiếng Anh để hội nhập quốc tế, và ngôn ngữ IT để giao tiếp với máy móc".
"Tất cả chúng ta đều đặt nhiều hy vọng vào những đổi mới giáo dục, mà trước mắt và đầu tiên là áp dụng công nghệ mới, công nghệ ICT vào giáo dục. Nơi ứng dụng công nghệ đầu tiên nên và rất nên là giáo dục. Và những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đầu tiên cũng nên và rất nên là doanh nghiệp công nghệ giáo dục", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.