Nhiều nguyên nhân treo “sổ hồng”
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết, trong giai đoạn từ 2010-2017, trên địa bàn TP có khoảng trên 800 dự án đất nền và dự án chung cư.
Các dự án chung cư có vi phạm chủ yếu là được triển khai thực hiện trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Khi đó, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, chưa có những nội dung kiểm soát dự án từ lúc khởi công xây dựng, huy động vốn và tổ chức xây dựng công trình.
|
TP.HCM có khoảng trên 100 chung cư có các vấn đề sai phạm, tranh chấp |
Ông Thắng cho biết thêm, hiện TP có khoảng trên 100 dự án chung cư xảy ra nhiều vấn đề, khi chưa có những Luật trên, dẫn tới việc chưa thể cấp giấy chứng nhận cho người dân. Với những dự án này, TP phân ra làm 3 dạng.
Thứ nhất là liên quan đến các trường hợp cần kiểm tra lại việc huy động vốn của chủ đầu tư, việc mua bán nếu có vi phạm pháp luật thì cần được xử lý. Cần thiết sẽ chuyển cho cơ quan điều tra xử lý, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Thứ hai là liên quan đến tranh chấp 3 bên gồm: Chủ đầu tư, ngân hàng (đối với dự án có thế chấp ngân hàng) và khách hàng. Vừa rồi UBND TP đã chỉ đạo và chúng tôi cũng đã hướng dẫn cho khách hàng là nên khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Bởi vì, việc này liên quan tới các hợp đồng dân sự được lập bởi khách hàng và chủ đầu tư trong việc mua bán chung cư.
Ngoài ra, hiện nay có một số chung cư có thế chấp giấy chứng nhận tổng của dự án. Việc chưa giải chấp giấy chứng nhận tổng, ảnh hưởng tới việc cấp giấy chủ quyền căn hộ cho người dân. Vừa qua, TP đã phối hợp với các cơ quan liên quan, báo cáo với Bộ Tư pháp và có hướng dẫn việc giải chấp từng phần, để cấp giấy chứng nhận cho người dân. Hiện nhiều trường hợp trên địa bàn TP đã được giải quyết theo hướng này.
Thứ ba là liên quan tới một số vấn đề trong quá trình xây dựng có vi phạm. Cụ thể như xây dựng sai so với giấy phép; chưa hoàn chỉnh hạ trình kỹ thuật, hạ tầng có liên quan để nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận…
Nhiều giải pháp tháo gỡ
Vừa qua, TP cũng đã có một số giải pháp để tháo gỡ. Cụ thể: Trên một công trình được xây dựng sai phép, sẽ xác định vị trí nào được xây dựng đúng, được kiểm định đảm bảo an toàn chất lượng, an toàn PCCC… thì sẽ cấp giấy chứng nhận cho phần đó trước. Còn phần nào sai thì sẽ xử lý và cấp sau.
Điển hình như dự án Trường Thịnh, TP đã cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân ở khu vực được xác định đã xây dựng đúng so với giấy phép, còn phần sai sẽ được xử lý sau. Chứ không chờ xử lý xong mới cấp cho toàn bộ dân cư.
Theo ông Thắng, hiện các dự án được thực hiện sau khi có Luật đất đai 2013, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật xây dựng, đã được kiểm soát rất chặt chẽ. Ví dụ, từ lúc khởi công móng đến thời điểm nào mới được huy động vốn, cách thức huy động như thế nào, phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép mới được thực hiện. Tránh trường hợp người dân chịu sự huy động vốn của chủ đầu tư rồi cuối cùng không mua được căn hộ, không được cấp giấy chứng nhận, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.
Hiện nay, TP cũng đã công khai một số dự án có thế chấp, cả Sở Xây dựng và Sở TN&MT đều công khai, với đầy đủ các nội dung dự án, để cho người dân biết rằng dự án nào có hiện tượng chủ đầu tư thế chấp ngân hàng. Việc thế chấp là bình thường nhưng quan trọng là giai đoạn nào giải chấp để lấy giấy tờ ra và cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân đảm bảo đúng tiến độ, đúng theo sự giám sát của các cơ quan chức năng.