Sau khi hoàn thành các thủ tục, hai công ty này sẽ trở thành công ty con của SAB.
BCTC quý 4/2022 của SAB ghi nhận Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) là công ty liên kết với giá trị gốc đã đầu tư gần 446 tỷ đồng (nắm giữ 22,18% vốn điều lệ).
Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) tiền thân là CTCP Bia Sài Gòn Bình Tây, được thành lập ngày 25/11/2005, với dự án đầu tiên là Nhà máy Bia Sài Gòn - Bình Dương. Hiện, Công ty có tới 6 nhà máy thành viên với tổng công suất sản xuất đạt 810 triệu lít bia/năm.
Theo BCTC năm 2021, Sabibeco ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ năm trước đạt 1.957 tỷ đồng. Đáng thất vọng, liên doanh liên kết báo lỗ nặng 84 tỷ đồng (gấp đôi cùng kỳ). Hệ quả, Công ty lỗ ròng gần 80 tỷ đồng - đánh dấu năm thứ 2 thua lỗ liên tiếp của Sabibeco (năm 2020 lỗ ròng 108 tỷ đồng).
Tuy nhiên, dù lỗ 2 năm liên tiếp song tại thời điểm cuối năm 2021, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Sabibeco vẫn dương 228 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tập đoàn Bao bì Sài Gòn được ghi nhận giá trị gốc Sabeco đã đầu tư là 50 tỷ đồng. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất lon nhôm hai mảnh và các sản phẩm từ giấy và bìa, in bao bì, nhãn mác mang thương mại, có địa chỉ tại KCN Bắc Vinh, TP Vinh, Nghệ An.
Tháng 10/2018, Công ty hoàn thành việc sáp nhập CTCP Bao bì Sabeco Đồng Tháp và CTCP In và Bao bì Minh Phúc, nâng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên hơn 560 tỷ đồng; tổng tài sản và nguồn vốn tăng 219%.
Theo BCTC quý 4/2022, tại ngày 31/1/2/2022, SAB hiện có 25 công ty con và đầu tư vào nhiều đơn vị liên doanh, liên kết. Nếu hoàn tất thủ tục nâng tỷ lệ sở hữu tại Sabibeco và Tập đoàn Bao bì Sài Gòn, Sabeco sẽ nâng tổng số công ty con lên mức 27.
Về tình hình kinh doanh, quý 4/2022, Sabeco ghi nhận doanh thu hơn 10.100 tỷ đồng trong quý IV/2022, tăng mạnh so với ba quý đầu năm.
Trong kỳ, giá vốn chiếm 72% doanh thu thuần và tăng gần 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 2.813 tỷ. Trong 3 tháng cuối năm, chi phí bán hàng của Sabeco cũng tăng mạnh hơn 70% lên 1.612 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí quảng cáo tiếp thị khuyến mãi cho quý bán hàng trước Tết.
Trừ đi các chi phí khác, Sabeco lãi sau thuế 1.076 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ, thấp nhất trong 5 quý trở lại đây.
Công ty bia này giải trình dù doanh thu cao hơn nhưng do đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, quảng cáo khiến lợi nhuận sau thuế sụt giảm so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu của SAB đạt 35.235 tỷ đồng. Con số này vượt trội so với hai năm trước đó và bằng khoảng 92% mức trước dịch năm 2019. Doanh thu tăng 33% so với năm 2021, nhưng giá vốn hàng bán cũng tăng 29% lên mức 24.208 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế đạt 5.499 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2021. Đây là mức cao nhất kể từ khi Sabeco về tay người Thái cuối năm 2017 và vượt 25% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Với kết quả trên, Sabeco tiếp tục bỏ xa một "ông lớn" ngành bia trong nước khác là Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), dù hoạt động doanh nghiệp này cũng phục hồi rõ rệt trong năm ngoái.
Tổng tài sản của Sabeco tính đến cuối năm 2022 là 34.465 tỷ đồng, tăng 13%, tương ứng tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng là 23.482 tỷ, chiếm 68% tổng tài sản.
Năm 2022, khoản tiền này đem về cho Sabeco gần 1.024 tỷ đồng lãi tiền gửi. Ngoài ra, Sabeco còn đầu tư 2.622 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị khác, đa số là các công ty bia. Hàng tồn kho của Sabeco cuối quý IV/2022 ở mức 2.193 tỷ, tăng 31%.
Tính đến ngày 31/12/2022, chiếm phần lớn 9.874 tỷ đồng là nợ phải trả của Sabeco. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ của Sabeco ở mức 24.590 tỷ, trong đó vốn cổ phần là 6.412 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới 15.564 tỷ đồng.