Ngày pháp luật

Sa thải nhân viên hàng loạt có giúp Grab thoát lỗ?

Việt Hưng

Trên mạng xã hội, các bài đăng rao bán phụ kiện, quần áo xe công nghệ liên tục xuất hiện. Nhiều tài xế Grab cho biết thu nhập của họ giảm mạnh, số lượng đơn hàng đã giảm khoảng 40 - 50% vào đầu năm nay.

Theo TechInAsia, công ty mẹ Grab có trụ sở tại Singapore đang lên kế hoạch sa thải 11% tổng lực lượng lao động của tập đoàn này, tương ứng với khoảng 1.000 người sẽ phải đối mặt với tình trạng mất việc trong năm nay.

Nguồn tin cho biết thêm, phần lớn những nhân sự bị cắt giảm đến từ các bộ phận như: kỹ thuật, marketing, nhân sự và đội ngũ nghiên cứu người dùng.

Trong khi đó, phía Bloomberg gọi đây là đợt sa thải lớn nhất trong lịch sử hoạt động của Grab kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Cụ thể, vào năm 2020, Grab chỉ từng sa thải khoảng 5% tổng lực lượng lao động - tương đương với 360 nhân viên.

Điều khiến giới truyền thông quan tâm là trước đó CEO Grab - ông Anthony Tan từng cho rằng đợt sa thải gần đây là nhằm chuẩn bị một tái cơ cấu tổ chức giúp công ty thích ứng với môi trường kinh doanh, chứ không phải là "lối tắt để đạt lợi nhuận".

Trước đó, CEO Anthony Tan đã nhiều lần khẳng định không sa thải nhân viên trong một bản ghi nhớ vào tháng 12 năm ngoái. Nhưng cuối cùng, Grab đã hành động ngược lại.

Grab đang tiến hành đợt sa thải lớn nhất trong lịch sử hoạt động của công ty
Grab đang tiến hành đợt sa thải lớn nhất trong lịch sử hoạt động của công ty

Thực tế, Grab đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực gọi xe và giao đồ ăn trên khắp Đông Nam Á.

Bloomberg bình luận rằng việc cắt giảm nhân sự kỉ lục cho thấy Grab đang chịu áp lực trước nhà đầu tư, phải giảm chi phí nhanh hơn. Grab đã chậm hơn trong việc cắt giảm chi phí so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Ngoài ra, Grab cũng đang phải đối mặt với khả năng tăng trưởng chậm lại khi khách hàng phải vật lộn với tỷ lệ lạm phát cao hơn và lãi suất tăng.

Năm 2022, Grab vẫn đang chịu lỗ 1,7 tỉ USD, so với khoản lỗ 3,5 tỉ USD năm 2021. Tới quý 1/2023, doanh thu Grab đã tăng 130% so với cùng kỳ, lên mức 525 triệu USD. Mảng giao hàng tiếp tục là nguồn thu lớn nhất của Grab khi mảng gọi xe công nghệ đang trên đà hồi phục sau đại dịch.

Lợi nhuận EBITDA đã điều chỉnh của Grab được cải thiện 5 quý liên tiếp. Song, tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong quý đầu tiên của năm nay bắt đầu có dấu hiệu đình trệ, buộc công ty phải tìm cách tăng GMV nếu muốn đạt mục tiêu hòa vốn.

Ông Peter Oey - CFO của Grab cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục cắt giảm các ưu đãi và xem xét các lĩnh vực chi tiêu, cho dù đó là cơ sở vật chất, du lịch, giải trí". Lãnh đạo của Grab kỳ vọng công ty sẽ có lãi vào cuối năm nay.

Tại Việt Nam, lỗ lũy kế của Grab lên tới 4.036 tỷ đồng
Tại Việt Nam, lỗ lũy kế của Grab lên tới 4.036 tỷ đồng

Tại Việt Nam, lỗ lũy kế của Grab lên tới 4.036 tỷ đồng. Công ty cũng chưa phải nộp bất kì khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào kể từ khi thành lập tại Việt Nam từ năm 2014.

Năm ngoái, Công ty TNHH Grab ghi nhận doanh thu 6.384 tỷ đồng trong năm 2022, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, theo số liệu của Báo Đầu tư Chứng khoán. Lợi nhuận đạt 330 tỷ đồng so với mức lỗ hơn 300 tỷ đồng trong năm trước đó.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục