Theo Bloomberg, ứng dụng gọi xe công nghệ Grab (Singapore) đang lên kế hoạch cho đợt sa thải lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Nguyên nhân là sự cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực gọi xe và giao đồ ăn trên khắp Đông Nam Á đã khiến công ty này không thể tiếp tục duy trì như trước.
Động thái này đồng nghĩa với việc đợt sa thải sắp tới của Grab có thể có quy mô lớn hơn cả đợt cắt giảm năm 2020, thời điểm công ty này sa thải khoảng 5% tổng lực lượng lao động - tương đương 360 nhân viên - để hướng tới mục tiêu có lãi.
Phía truyền thông của Grab hiện từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này, theo hãng tin Reuters.
Trước đó, vào tháng 9/2022, phía Grab đã chia sẻ với Reuters rằng họ sẽ không tiến hành sa thải nhân sự và vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân tài.Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, CEO kiêm nhà đồng sáng lập Grab Anthony Tan đã nói với các nhân viên trong một email rằng công ty sẽ đóng băng tuyển dụng và ngừng tăng lương cho các quản lý. Tuy nhiên, không có bất kỳ kế hoạch sa thải nào được đề cập vào lúc đó.
Trong báo cáo tài chính quý I vừa qua, doanh thu Grab đã tăng 130% so với cùng kỳ năm trước lên mức 525 triệu USD nhờ tăng trưởng trên tất cả phân khúc. Trong đó, giao hàng tiếp tục là nguồn thu lớn nhất của Grab khi mảng gọi xe công nghệ đang trên đà hồi phục sau đại dịch.
Theo báo cáo của Momentum Asia, Grab hiện vẫn dẫn đầu thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines về tổng khối lượng giao dịch (GMV). Tuy nhiên, tăng trưởng GMV này đã bị đình trệ kể từ năm ngoái.
Tính từ đầu năm đến nay, tổng GMV của Grab thậm chí chỉ tăng 3%. Dù dẫn đầu thị trường, hãng gọi xe này vẫn chưa đạt được lợi nhuận do chi tiêu đè nặng lên doanh thu.
Kể từ khi IPO vào cuối năm 2021, cổ phiếu của Grab đã giảm khoảng 70% ngay cả khi hãng cam kết báo lãi. Việc cắt giảm này cho thấy Grab đang phải chịu nhiều áp lực từ nhà đầu tư để có lãi nhanh hơn.
Trong khi Grab vẫn trì hoãn kế hoạch sa thải nhân viên cho đến thời điểm hiện tại, các đối thủ khác trong khu vực Đông Nam Á là GoTo Group (công ty mẹ của Gojek) và Sea (công ty mẹ của Shopee) đã cắt giảm lao động nhiều lần để duy trì tinh thần vững chắc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn.
Vào cuối năm ngoái, có thông tin cho rằng Sea đã cắt giảm khoảng 7.000 nhân viên trong tổng số lượng nhân viên của mình từ tháng 6 đến tháng 11 cùng năm. Các đợt sa thải nhân sự gần đây nhất của công ty nhắm vào Shopee, nền tảng thương mại điện tử của công ty và cũng là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á thời điểm hiện tại.
Các báo cáo chỉ ra rằng số lượng nhân sự của Shopee bị cắt giảm rơi vào khoảng 100 người. Trong khi đó, công ty mẹ của hãng gọi xe công nghệ Gojek có trụ sở tại Indonesia gần đây đã tiến hành một đợt sa thải khác khi họ tập trung vào các hoạt động cốt lõi của mình.
Trước đó, công ty cũng đã sa thải khoảng 1.200 nhân sự vào tháng 11/2022. Gã khổng lồ công nghệ của Indonesia cho biết, họ đặt mục tiêu đạt được lợi nhuận trên cơ sở EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao) đã điều chỉnh trong quý IV/2023.