Không lâu sau khi AirAsia tiết lộ danh tính mới với tư cách là siêu ứng dụng vào tháng 10/2020, hãng hàng không giá rẻ của Malaysia cho biết sẽ thâm nhập vào ngành giao đồ ăn.
Một tháng sau, đồ ăn của AirAsia đã ra mắt tại Malaysia và đến năm 2022, mức độ phổ biến được nhân rộng trên toàn khu vực Đông Nam Á, theo Tech Wire Asia đưa tin.
AirAsia "bắt tay" hợp tác với Foodpanda - bước đi táo bạo
Giới chuyên gia nhận định, đây là bước đi táo bạo của AirAsia bởi thị trường giao đồ ăn tại Đông Nam Á có mức độ cạnh tranh tương đối cao nhưng dường như công ty không hề tỏ ra nao núng.
Khi AirAsia ra mắt dịch vụ giao đồ ăn trong khu vực, đồng thời thách thức đối thủ của mình với tuyên bố sẽ tính tỷ lệ hoa hồng 15% cho tất cả các thương gia.
Thời gian trôi qua, AirAsia nhận ra họ có thể làm tốt hơn với các dịch vụ giao đồ ăn trong siêu ứng dụng của mình. Tuần trước, siêu ứng dụng này khiến nhiều người bất ngờ khi thông báo đã "bắt tay" hợp tác với Foodpanda để hợp nhất các dịch vụ giao đồ ăn và gọi xe điện tử.
Giám đốc điều hành của Capital A, công ty mẹ của siêu ứng dụng, Tony Fernandes, cho biết “mối quan hệ đối tác chiến lược cho phép cả hai nền tảng tận dụng thế mạnh của nhau, nhằm mang lại giá trị tốt hơn và tiện lợi hơn cho người dùng trên khắp Đông Nam Á và hơn thế nữa”.
Điều đó có nghĩa là kể từ thông báo vào ngày 12/5, dịch vụ gọi xe của siêu ứng dụng AirAsia và chuyến đi của AirAsia đã được cung cấp trên ứng dụng Foodpanda. Mặt khác, Foodpanda - dịch vụ giao hàng tạp hóa và thực phẩm theo yêu cầu lớn nhất ở châu Á bên ngoài Trung Quốc - đã bắt đầu hỗ trợ dịch vụ giao đồ ăn của siêu ứng dụng.
Sự hợp tác này sẽ cho phép hàng triệu người dùng siêu ứng dụng Airasia kết nối với mạng lưới rộng khắp của Foodpanda gồm hơn 100.000 thương nhân và hàng nghìn đối tác giao hàng.
“Mối quan hệ đối tác nền tảng này sẽ cho phép chúng tôi tận dụng thế mạnh của nhau. Cả hai đều cần thiết cho khách du lịch và người dùng hàng ngày của cả hai ứng dụng”, ông Fernandes nói trong một tuyên bố.
Ông cũng gợi ý thêm, có rất nhiều tiềm năng mà siêu ứng dụng AirAsia và Foodpanda có thể cùng nhau khám phá, chẳng hạn như giải pháp thanh toán qua BigPay, chương trình khách hàng thân thiết…
Giao đồ ăn không phải là sở trường, thế mạnh của AirAsia
Ông Tony Fernandes cho biết, AirAsia sẽ tập trung vào lĩnh vực thế mạnh, đó là du lịch, bao gồm cả dịch vụ gọi xe nhưng cũng nhận thấy mảng giao đồ ăn không phải là thế mạnh.
“Chúng tôi tin mình có thể trở thành người chơi chính trong lĩnh vực gọi xe, nhưng trong lĩnh vực thực phẩm, chúng tôi có thể cung cấp sản phẩm tốt hơn nhiều bằng cách hợp tác với Foodpanda”.
Sự hợp tác này cũng sẽ cấp cho Foodpanda quyền truy cập vào các tài sản của AirAsia, bao gồm các chương trình trả thưởng, đăng ký và ví điện tử, đồng thời quảng bá dịch vụ gọi xe cho khách hàng của họ.
“Chúng tôi đang bắt đầu triển khai ở Malaysia, tiếp theo là ở Thái Lan, sau đó là Singapore, Philippines, Campuchia và nhiều nơi khác”, ông Fernandes nói thêm.
Đối với các hành khách hiện tại của AirAsia thuộc nhánh giao đồ ăn, ông Fernandes cho biết họ sẽ chuyển sang các dịch vụ khác của công ty, chẳng hạn như nhánh gọi xe hoặc Teleport, nhánh hậu cần của Capital A.
Cái bắt tay của AirAsia và Foodpanda sẽ làm Grab nao núng?
Ngành giao đồ ăn thường được mô tả là một trong những lĩnh vực thu lợi nhiều nhất. Do đó, ngày càng có nhiều đơn vị chuyển hướng sang lĩnh vực giao đồ ăn như một cách để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới.
Vào cuối năm 2022, Grab - công ty cũng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn ngoài dịch vụ gọi xe, ước tính chiếm 54%, tương đương 8,8 tỷ USD tổng GMV trên thị trường giao đồ ăn của khu vực Đông Nam Á, tăng 16% so với năm trước.
Foodpanda, công ty luôn tập trung vào các dịch vụ giao đồ ăn, ước tính chiếm 19% hay 3,1 tỷ USD vào tổng GMV trên thị trường giao đồ ăn của khu vực, giảm 9% kể từ năm 2021.
Gojek và Shopee, hai công ty cũng mới chỉ tham gia vào dịch vụ giao đồ ăn trong thời kỳ đại dịch Covid-19, ước tính sẽ duy trì GMV trên thị trường giao đồ ăn ở mức lần lượt là 2 tỷ USD và 0,9 tỷ USD, tương tự như vào năm 2021.
Một số chuyên gia tính toán, con đường dẫn đến lợi nhuận nằm ở sự hợp nhất, vì sự phối hợp với việc tăng thị phần và quyền định giá sẽ cho phép một mô hình bền vững hơn.
Sự hợp tác giữa Foodpanda và AirAsia có thể là cách họ đối đầu với Grab, đối thủ lớn nhất trong khu vực. Nhiều người đang ngóng chờ xem mối quan hệ giữa AirAsia và Foodpanda có thể tạo ra sự khác biệt tại Đông Nam Á hay không. Cái này chỉ thời gian mới có thể trả lời.