Ngày pháp luật

Grab bắt tay với "ông lớn" công nghệ Tencent và Amazon, quyết tâm đạt mục tiêu tăng lợi nhuận

Linh Bùi

Siêu ứng dụng Grab mới đây đã "bắt tay" với nhiều ông lớn trong làng công nghệ như Amazon, Tencent với hy vọng tạo thêm doanh thu cần thiết để đạt được mục tiêu có lợi nhuận vào cuối năm nay như đã hứa với các nhà đầu tư đang mất dần sự kiên nhẫn, theo Nikkei Asia.

Grab và Wechat phối hợp đem trải nghiệm cho khách hàng

Khách du lịch tới từ Trung Quốc đến Sân bay Changi của Singapore có thể gọi xe bằng cách ấn vào biểu tượng Grab được tích hợp trong WeChat, ứng dụng nhắn tin thuộc sở hữu của Tencent, và chọn điểm đến. Khi xe Grab đưa người dùng tới điểm đến, khách có thể thanh toán cho tài xế thông qua ví điện tử của WeChat.

Tính năng trên là kết quả hợp tác giữa Grab và WeChat được công bố vào tháng 12/2022. Là nền tảng gọi xe hàng đầu Đông Nam Á, Grab hoạt động tại 480 thành phố trên 8 quốc gia trong khu vực. Tính năng trên WeChat có thể được sử dụng tại tất cả các thị trường này.

Grab bắt tay với "ông lớn" công nghệ Tencent và Amazon, quyết tâm đạt mục tiêu tăng lợi nhuận - Ảnh 1

Đối với một ứng dụng gọi xe, các chuyến đi từ sân bay mang lại nhiều lợi ích về phí và số lượng các chuyến xe đi từ sân bay có thể ảnh hưởng đến doanh thu nói chung. Bằng cách tích hợp vào WeChat, Grab giúp người dùng tiết kiệm thời gian khi không cần phải tải về một ứng dụng độc lập nào khác.

Hợp tác với WeChat, dịch vụ đang có 1,3 tỷ người dùng trên toàn cầu, sẽ mang đến cho Grab nhiều lợi ích. Dĩ nhiên, Tencent sẽ thu phí dịch vụ từ Grab, nhưng lợi ích về thu nhập sẽ bù đắp được những chi phí này khi mảng gọi xe của Grab đang có biên lợi nhuận tới 10%.

Grab "bắt tay" cùng Amazon Web Services

Đầu tháng 2, Grab cũng đã bắt đầu cung cấp dữ liệu bản đồ cho các khách hàng của Amazon Web Services - nhánh điện toán đám mây của Amazon.

Thông qua dịch vụ GrabMaps này, khách hàng AWS có thể điều chỉnh dữ liệu bản đồ ở 8 quốc gia Đông Nam Á để phù hợp với doanh nghiệp của họ. GrabMaps nhận được doanh thu dựa trên việc sử dụng.

Luce SG, một công ty dịch vụ vệ sinh của Singapore hiện đang hoạt động tại Indonesia và Philippines, dùng dữ liệu bản đồ của GrabMaps để tiết kiệm thời gian di chuyển cho các nhân viên dịch vụ và tránh việc tới điểm làm việc muộn.

Jason Zhang, giám đốc của Luce SG cho biết: “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn để có được các dữ liệu bản đồ và định tuyến đáng tin cậy để triển khai nhân viên dịch vụ, đặc biệt là do khu vực này có nhiều tuyến đường không chính thức”. Dịch vụ của GrabMaps khác biệt so với đối thủ do liên tục cập nhật bản đồ dùng dữ liệu từ các tài xế.

Alex Hungate, Giám đốc vận hành Grab, nhắc đến nhiều lợi ích trực tiếp và gián tiếp khi hợp tác với “ông lớn” công nghệ Mỹ. “Chúng tôi tin, hợp đồng với AWS không chỉ mang đến nguồn doanh thu trực tiếp cho Grab mà còn giúp chúng tôi dễ có thêm các khách hàng B2B mới hơn một khi chúng tôi đã có hợp tác với một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới”, ông chia sẻ.

Grab bắt tay với "ông lớn" công nghệ Tencent và Amazon, quyết tâm đạt mục tiêu tăng lợi nhuận - Ảnh 2

Ở mảng tài chính tiêu dùng, Grab tập trung vào giao dịch người dùng với đối tác ở mảng ngân hàng số như Singtel (Singapore), Emtek (Indonesia9 và Kuok Group (Malaysia).

Grab sẽ tập trung vào các giao dịch với người dùng mà đã nắm dữ liệu trước đó, từ đó giảm chi phí thâu tóm người dùng và kiểm tra tín nhiệm tín dụng.

Trước đây, Công ty Singapore thường thu hút người dùng và tăng tỷ lệ sử dụng thông qu các chiến dịch marketing lớn, hấp dẫn. Song ở thời điểm hiện tại, Grab đang thay đổi chiến lược của mình để đạt mốc lợi nhuận nhanh hơn.

Trong quý IV/2022, Grab cắt giảm chi phí cho các chương trình khuyến mại 29%. Điều này giúp Grab giảm lỗ ròng tối thiểu 60%, theo Nikkei.

Điều chỉnh chiến lược, dự báo lợi nhuận dương vào cuối năm 2023

Tháng trước, Grab chia sẻ kỳ vọng sẽ đạt thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA) sau điều chỉnh dương vào quý IV/2023, nhanh hơn so với mốc mục tiêu cũ là nửa sau năm 2024. Thanh khoản tiền mặt của Grab đã tăng lên 5 tỷ USD vào cuối tháng 12/2022, nhưng Grab tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí nếu có thể.

"Chúng tôi đóng băng hoạt động tuyển dụng ở hầu hết chức năng tập đoàn trong khu vực”, ông Peter Oey, Giám đốc tài chính Grab cho biết.

Grab thực hiện điều chỉnh lại chiến lược trong bối cảnh công ty này đã có lượng người dùng khá lớn. Lượng người dùng hàng tháng mới nhất của Grab được công bố đạt 33,6 triệu người, tăng 4 triệu so với một năm trước đó.

Tỷ lệ tài khoản sử dụng hai hoặc nhiều dịch vụ của Grab, chẳng hạn như gọi xe hoặc giao đồ ăn, đã tăng lên 61% vào năm 2022 từ mức khoảng 42% vào năm 2019 trước đại dịch.

Trong ba năm liên tiếp, Grab đã thống trị thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á với thị phần dao động quanh 50%. Với biên độ tăng trưởng hạn chế, tập trung vào các khách hàng giao đồ ăn hiện có dường như là một cách hiệu quả để cải thiện lợi nhuận. 

Nhưng Grab đã thất bại trong việc kích thích thị trường chứng khoán. Vào ngày 23/2, khi công bố mục tiêu lợi nhuận EBITDA nhanh hơn, cổ phiếu vẫn giảm 8%.

Sachin Mittal, nhà phân tích tại DBS Group Research cho biết, lợi nhuận dài hạn là mối quan tâm chính. Trong khi đó, Tong Yen Hee, phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định, các nhà đầu tư sẽ vẫn cứng rắn với các công ty công nghệ Đông Nam Á chừng nào những trở ngại kinh tế vĩ mô phát sinh từ lãi suất cao và lạm phát vẫn tiếp diễn.

Lạm phát dài hạn có thể đẩy người tiêu dùng ra khỏi dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn, đồng thời các nền tảng có thể phải đối mặt với chi phí cao hơn do các quy tắc bảo vệ người lao động hợp đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục