“Tên tuổi lớn” thời bao cấp
Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông được thành lập năm 1958 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, với tên gọi ban đầu là Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông. Đây cũng là 1 trong 13 nhà máy đầu tiên được khởi công xây dựng để phát triển ngành công nghiệp nhẹ Việt Nam thời kỳ xây dựng XHCN do Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đích thân lựa chọn.
Không lâu sau đó, nhà máy vô cùng thành công với sản phẩm phích nước Rạng Đông. Vào thời kỳ này, phích nước Rạng Đông là vật dụng cần thiết trong mỗi gia đình, ai cũng phải cố để có ít nhất một chiếc. Việc mua bán phích rất khó, thậm chí có nơi, cán bộ công nhân viên còn phải bốc thăm mới có quyền mua chiếc phích này.
Trước năm 1988 là thời kỳ hoàng kim của Rạng Đông, cùng với cao su Sao Vàng, giầy Thượng Đình, diêm Thống Nhất, mỳ Miliket… là những thương hiệu lớn của Việt Nam thời điểm đó. Mỗi doanh nghiệp đảm nhiệm một vai trò sản xuất và gần như độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Rạng Đông được ví như một biểu tượng văn hóa gắn với thời bao cấp.
Bước vào thời kỳ đổi mới, khác với thời bao cấp “một mình, một sân”, bóng đèn, phích nước Rạng Đông dần dần chịu nhiều áp lực từ những sản phẩm đến từ châu Âu, Trung Quốc… Giai đoạn 1988-1990, sau khi Việt Nam mở cửa thị trường, làn sóng hàng ngoại ồ ạt tràn vào. Đặc biệt là hàng Trung Quốc với giá rẻ hơn đã khiến Rạng Đông gặp khó khăn và mất dần thị phần.
Giai đoạn này, Rạng Đông liên tục làm ăn thua lỗ, có thời điểm phải cho 1.600 công nhân nghỉ việc suốt 6 tháng. Năm 1990, tài khoản tại ngân hàng của Rạng Đông bị phong tỏa, tài chính liên tục gặp khó khăn, Nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng.
Cùng năm, Rạng Đông ghi nhận vỏn vẹn 7,4 tỷ đồng doanh thu và khoản lỗ trước thuế 16 triệu đồng. Song đây cũng năm đánh dấu bước chuyển mình của Rạng Đông, với việc vay nợ để cải tiến dây chuyền sản xuất đã cũ. Đến năm 1991, tuy doanh thu mới đạt chưa tới 15 tỷ đồng nhưng Rạng Đông đã chấm dứt được tình trạng thua lỗ với 220 triệu đồng lãi trước thuế.
Tháng 6/1994, được đổi tên thành Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng bóng đèn, phích nước và các sản phẩm thủy tinh. Tháng 7/2004, Công ty chính thức chuyển thành Công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) với vốn điều lệ là 79,2 tỷ đồng.
Ngày 6/12/2006, RAL chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Đến năm 2008, vốn điều lệ của Công ty là 115 tỷ đồng và giữ nguyên tới ngày nay. Mức vốn điều lệ 115 tỷ đồng gần như là mức thấp nhất đối với các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, nhưng RAL lại là doanh nghiệp hiệu quả hàng đầu với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.
Hơn chục năm liền, Rạng Đông tăng trưởng ổn định trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ hàng Thái Lan và Trung Quốc nhập khẩu. Riêng năm 2018, tổng doanh thu tiêu thụ đạt hơn 3.600 tỷ đồng, thu được 204 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; nộp ngân sách Nhà nước 330,3 tỷ đồng. Doanh thu bình quân đầu người đạt 13,7 triệu đồng/tháng.
Và theo báo cáo tài chính năm 2019, Rạng Đông ghi nhận doanh thu 4.256 tỷ đồng, tăng 18%; lãi sau thuế 125 tỷ đồng, giảm 39% so với năm trước. Công ty vượt 18% kế hoạch doanh thu và thực hiện 79% kế hoạch lãi trước thuế. Còn 6 tháng đầu năm 2020, RAL đạt 2.036 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 138 tỷ đồng, tăng 43,5% so với nửa đầu năm 2019.
Thị trường đèn Led cạnh tranh khốc liệt
Tình hình kinh doanh của Rạng Đông vẫn khả quan dù trong năm 2019 vừa qua bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn vào tháng 8. Theo đó, vào khoảng 18h30 ngày 28/8/2019, một vụ cháy lớn bùng lên tại khu nhà xưởng sản xuất của RAL ở địa chỉ 87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Dù không có thiệt hại về người, nhưng hỏa hoạn chỉ được khống chế sau gần 6 giờ bùng phát, gây thiệt hại về cơ sở vật chất, hàng hóa, tài sản của Công ty khoảng 150 tỷ đồng và môi trường xung quanh khu vực cháy.
Sở dĩ Rạng Đông ghi dấu ấn trong lĩnh vực sản xuất ngành thiết bị chiếu sáng và phích nước tại Việt Nam chính là nhờ chiến lược tập trung vào phân khúc hàng chất lượng cao. Trung tâm nghiên cứu R&D được Công ty thành lập từ tháng 3/2011 đã phát huy hiệu quả khi xây dựng nền tảng công nghệ điện tử, phát triển sản phẩm Led cho Rạng Đông. Dây chuyền sản xuất đèn Led của Công ty đạt sản lượng 100 triệu sản phẩm/năm bao gồm 27 dòng sản phẩm Led khác nhau.
Theo nghiên cứu của IMARC Group, thị trường đèn Led Việt Nam có giá trị ước tính trên 520 triệu USD vào năm 2023, tốc độ tăng trưởng khoảng 18%/năm giai đoạn 2018 – 2023. Doanh thu từ các mặt hàng chiếu sáng truyền thống của Rạng Đông cũng đã dần được thay thế bởi nguồn thu đến từ những sản phẩm mới sử dụng công nghệ Led.
Nếu như năm 2015 sản phẩm chiếu sáng truyền thống chiếm 58% tỷ trọng doanh thu toàn Công ty thì đến năm 2016 – 2017, tỷ trọng giảm còn 50% và 35%. Năm 2018, giảm còn 16% song tổng doanh thu toàn Công ty vẫn đạt tăng trưởng 10,7% nhờ sản phẩm LED tăng tỷ trọng từ 12% tổng doanh thu năm 2015 lên tới 61% năm 2018.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nếu như thị phần đèn Led nhập khẩu năm 2016 là 411 triệu đèn và sản phẩm của RAL chỉ 8,56 triệu chiếc, thì đến năm 2017, con số đã thay đổi tương ứng còn 260 triệu chiếc và 17 triệu chiếc.
Năm 2018, trước sự cạnh tranh khủng khiếp của các sản phẩm từ Trung Quốc vốn rất được ưa chuộng bởi mức giá rẻ RAL tăng tốc đạt 32 triệu chiếc. Trong khi đó, con số nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục giảm còn 202 triệu chiếc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Rạng Đông vẫn phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh bởi mức độ cạnh tranh trong ngành Led ở rất cao. Thống kê cho thấy có 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất, trong đó có tới 20 công ty nước ngoài với thường hiệu toàn cầu như Phillip, Osram… và 3.600 doanh nghiệp nhỏ lắp ráp các linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Thị phần đèn Led của RAL năm 2018 mới chiếm hơn 10% tại thị trường trong nước.
Các nhà phân tích lo ngại trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các công ty nước ngoài như City Lighting, E-GM Tech bắt đầu chuyển nhà máy sản xuất đèn từ Trung Quốc về Việt Nam. Philips cũng không ngại hạ giá bán sản phẩm để cạnh tranh, quyết dành được thị phần tốt nhất.
Còn các doanh nghiệp trong nước thì không ngừng nâng cao năng lực sản xuất và gia tăng các hoạt động giảm giá bán. Đồng thời, thuế nhập khẩu các sản phẩm đèn Led đang là 0%, do đó tính cạnh tranh trên thị trường càng khốc liệt.
Trên 60% thị phần đèn Led Việt Nam hiện vẫn là các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Bởi vậy, theo các chuyên gia, RAL vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy khâu phân phối và mở rộng kênh xuất khẩu bên cạnh việc đầu tư thêm công nghệ nhằm cải tiến sản phẩm.