Ngày pháp luật

Quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Nghị định quy định hương ước, quy ước là văn bản quy định về các quy phạm xã hội bao gồm các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư bàn và quyết định; không trái pháp luật và đạo đức xã hội; nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận.

Quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.  
Quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.  

Nguyên tắc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước

Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

1- Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.

2- Xuất phát từ nhu cầu tự quản của người dân, trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất, công khai, minh bạch trong cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân và trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng.

3- Tôn trọng tính tự chủ, tính đa dạng văn hóa và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng dân cư.

4- Phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.

Hình thức của hương ước, quy ước

Hương ước, quy ước được thể hiện dưới hình thức văn bản, có chữ ký xác nhận của Trưởng thôn (Tổ trưởng tổ dân phố), Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư và 2 đại diện của các hộ gia đình trong cộng đồng dân cư; khuyến khích đại diện là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Hương ước, quy ước sau khi được công nhận có đóng dấu giáp lai của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Việc lựa chọn tên gọi "Hương ước" hoặc "Quy ước" do cộng đồng dân cư thống nhất, quyết định.

Hương ước, quy ước có thể được chia thành lời nói đầu, chương, mục, điều, khoản, điểm hoặc kết cấu khác phù hợp với nội dung; được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Ngôn ngữ trong hương ước, quy ước là tiếng Việt.

Trường hợp cộng đồng dân cư có nhiều dân tộc của Việt Nam cùng sinh sống và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau thì việc dịch hương ước, quy ước từ tiếng Việt sang tiếng của một, một số hoặc tất cả các dân tộc đó do cộng đồng dân cư quyết định khi soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua theo quy định.

Công nhận hương ước, quy ước

Nghị định nêu rõ Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước.

Hương ước, quy ước được công nhận khi có đủ các điều kiện sau đây:

1- Phạm vi nội dung, hình thức phù hợp với quy định tại các điều 5 và 6 Nghị định này;

2- Tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại các điều 4, 7, 8, 9 và 10 Nghị định này.

Trường hợp bị bãi bỏ hương ước, quy ước

Hương ước, quy ước bị bãi bỏ toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Có nội dung trái với quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cộng đồng dân cư;

- Bị tạm ngừng thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định này nhưng đã hết thời hạn phải hoàn tất các thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến, thông qua để được công nhận quy định trong quyết định tạm ngừng   thực hiện mà cộng đồng dân cư không hoàn tất các thủ tục này;

- Không bảo đảm tỷ lệ thông qua quy định tại Điều 10 Nghị định này mà cộng đồng dân cư không thực hiện lại việc thông qua để bảo đảm tỷ lệ theo quy định.

Tin Cùng Chuyên Mục