Quy định pháp lý nào cho hoạt động của F88?

Thiên Vũ

Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang cho thấy nhiều triển vọng tăng trưởng, đặc biệt với sự đóng góp ngày càng rõ nét từ lĩnh vực tài chính thay thế. Các mô hình mới bao gồm cả tổ chức tài chính truyền thống và nền tảng công nghệ đang mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho nhóm khách hàng ngoài hệ thống ngân hàng, góp phần làm sôi động bức tranh thị trường tiêu dùng trong nước.

Hiểu đơn giản, tài chính thay thế là hình thức vay từ các tổ chức ngoài hệ thống tín dụng truyền thống, hướng đến phân khúc khách hàng không tiếp cận được hoặc chưa đủ chuẩn để vay các tổ chức tín dụng (unbanked/underbanked). Điểm nhấn của thị trường này là thủ tục đơn giản, khoản vay nhỏ, ngắn hạn, không cần thế chấp hay lịch sử tín dụng hoàn hảo. Cùng với sự phát triển của thị trường, hoạt động cho vay thay thế đang dần định hình theo bốn nhóm mô hình chính, với đặc điểm vận hành và tính chất pháp lý khác nhau, bao gồm cầm đồ, cho vay ngắn hạn, mua trước trả sau và cho vay ngang hàng.

Trong đó, cầm đồ (hay cho vay dựa trên tài sản - title lending) dẫn đầu thị trường về quy mô dư nợ, được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp phát triển theo mô hình chuỗi hiện đại, có tài sản đảm bảo rõ ràng, giấy phép kinh doanh hợp lệ, và được giám sát bởi nhiều cấp quản lý. Cho vay ngắn hạn (Payday loan) phổ biến thông qua app vay tiêu dùng, nhiều trường hợp do các công ty công nghệ nước ngoài điều hành; rủi ro thiếu minh bạch thông tin và kiểm soát pháp lý còn cao. Còn mua trước trả sau (BNPL) đang bùng nổ trong lĩnh vực bán lẻ, vận hành linh hoạt nhưng đang thiếu một khung pháp lý chuyên biệt. Với cho vay ngang hàng (P2P Lending), tại Việt Nam hình thức này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm và được giám sát thí điểm bởi Ngân hàng Nhà nước.

Quy định pháp lý nào cho hoạt động của F88? - Ảnh 1

Cầm đồ: Phân khúc duy nhất có hành lang pháp lý và cơ chế kiểm soát rõ ràng

Trong hệ sinh thái tài chính thay thế, ngoài hoạt động cầm đồ vận hành dưới cơ sở pháp lý gồm Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Nghị định 96 sửa đổi (2023) và các quy định về phòng chống rửa tiền; thì các mô hình còn lại hiện chưa có hành lang pháp lý đồng bộ và phần lớn chỉ hoạt động dựa trên hợp đồng dân sự, dẫn đến khó khăn trong kiểm soát rủi ro và bảo vệ người tiêu dùng.

Dự thảo Nghị định 94 được ban hành ngày 29/04/2025 tạo ra “sandbox” cho fintech, nhưng cũng nhấn mạnh rằng cầm đồ vẫn là mô hình tài chính thay thế duy nhất đang được giám sát liên tục. Baker McKenzie Việt Nam đã đánh giá mô hình cầm đồ là “có kiểm soát” nhờ các yếu tố giấy phép, bảo đảm tài sản và luồng vốn minh bạch.

Theo báo cáo về Tài chính thay thế trong thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam của FiinGroup vừa  công bố, tính đến hết năm 2024, quy mô dư nợ thị trường cầm đồ ước đạt 200 nghìn tỷ VNĐ (tương đương ~ 8 tỷ USD) trong đó các doanh nghiệp cầm đồ thế hệ mới (tức các doanh nghiệp cầm đồ theo mô hình hiện đại có chuỗi cửa hàng, áp dụng công nghệ, và vận hành theo quy trình chuẩn đang dẫn dắt xu thế)chiếm xấp xỉ 3.2% quy mô dư nợ toàn thị trường cầm đồ. Cũng theo báo cáo này, F88 là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cầm đồ thế hệ mới nhờ chiến lược mở rộng mạnh mẽ và tăng trưởng doanh thu ấn tượng trên 100% liên tiếp trong các năm 2020 - 2022. Hiện doanh nghiệp này  đang vận hành gần 900 cửa hàng, dẫn đầu dư nợ cho vay trong ngành nhờ khả năng số hóa toàn trình và mạng lưới phủ rộng toàn quốc.

Mô hình “đại lý tài chính” - lựa chọn giảm thiểu rủi ro pháp lý

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính thay thế tại Việt Nam đang vận hành theo mô hình “đại lý tài chính”, tức không trực tiếp nắm giữ dòng vốn hay đưa ra quyết định giải ngân. Thay vào đó, họ hoạt động như điểm tiếp nhận hồ sơ, thẩm định tài sản bảo đảm và hỗ trợ quy trình vay vốn, trong khi khoản vay được giải ngân bởi các tổ chức tín dụng được cấp phép.

Có thể kể đến như Techcombank hợp tác cùng WinCommerce, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị và cửa hàng WinMart và WinMart+. FPT Shop biến hơn 600 cửa hàng thành điểm rút tiền mặt như cây ATM cùng Vietcombank. Còn F88 biến gần 890 cửa hàng tài chính thành phòng giao dịch Ngân hàng Quân đội (MB). Mô hình này giúp tách bạch vai trò dịch vụ tín dụng, qua đó giảm rủi ro pháp lý phát sinh từ việc xử lý dòng tiền trực tiếp. Đối với cơ quan giám sát, đây cũng là cấu trúc dễ kiểm toán hơn vì vốn nằm trong hệ thống ngân hàng.

Theo một số quan sát thực tế, mức lãi suất trong mô hình này thường được áp dụng linh hoạt theo từng nhóm khách hàng và nằm trong giới hạn khung Bộ luật Dân sự (điều 468) cho phép (tối đa 20%/năm, nếu không có thỏa thuận khác). Tuy nhiên, phần chi phí ngoài lãi như phí bảo quản tài sản, bảo hiểm hoặc dịch vụ liên kết hiện vẫn chưa có chuẩn hóa, tùy thuộc vào năng lực vận hành của từng đơn vị.

Quy định pháp lý nào cho hoạt động của F88? - Ảnh 2

Vấn đề không nằm ở hình thức mà là cách vận hành trong khung pháp lý

Một trong những nhầm lẫn phổ biến của nhà đầu tư cá nhân khi đánh giá thị trường tài chính thay thế là đánh đồng tất cả các mô hình “không phải ngân hàng” đều rủi ro như nhau. Trên thực tế, điểm phân biệt không nằm ở tên gọi hay công nghệ, mà ở cách doanh nghiệp chọn hành lang pháp lý để vận hành: đi trong vùng pháp luật hiện hữu hay chọn cách phát triển vượt khung kiểm soát.

Sự khác biệt về pháp lý cũng tạo ra khác biệt về định giá: các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, được kiểm toán, có quy trình nội bộ rõ ràng, thường được thị trường vốn đánh giá cao hơn không chỉ vì họ “đúng luật”, mà còn vì có thể dự đoán rủi ro và phản ứng trong giám sát.

Ở nhiều thị trường phát triển như Mỹ, Thái Lan hay Ấn Độ, các mô hình tài chính thay thế như “title lending”, BNPL, hay P2P đều đã từng trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh trong vùng xám pháp lý trước khi được luật hóa thành những cấu phần chính thức trong hệ sinh thái tài chính. Và điểm chung của doanh nghiệp là xây dựng nền tảng vận hành minh bạch, kiểm soát rủi ro từ bên trong. Những bước đi này không chỉ giúp họ vượt qua các giai đoạn thanh lọc của thị trường, mà còn tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn khi luật chính thức ban hành.

Ở Việt Nam, dù “miếng bánh” thị trường tài chính thay thế được nhận định còn lớn, đặc biệt ở nhóm dân cư chưa tiếp cận tín dụng chính thống nhưng hành lang pháp lý vẫn còn chỉ đang ở bước đầu hoàn thiện. Trong bối cảnh đó, việc doanh nghiệp lựa chọn phát triển theo hướng tuân thủ, minh bạch, và gắn kết với hệ thống giám sát sẽ là yếu tố phân hóa rõ ràng về định giá và mức độ tín nhiệm. Điều này cũng sẽ giúp nhà đầu tư có được những cơ sở đầu tiên để xác định đâu là doanh nghiệp có khả năng trở thành chuẩn mực trong một ngành vẫn đang hình thành.

Tin Cùng Chuyên Mục