Ngày pháp luật

Quỹ đạo hồi phục của thị trường địa ốc đang bắt đầu quay trở lại 

Trung Hiếu

Kết thúc quý I, thị trường bất động sản đang có tín hiệu hồi phục trở lại khi thanh khoản gia tăng tại một số phân khúc và khu vực. Điều này cho thấy quỹ đạo hồi phục của thị trường địa ốc đang bắt đầu quay trở lại.

Giao dịch ra tăng, nhiều dự án được gỡ vướng

Cuối quý 1/2023, Chính phủ lại tiếp tục đưa ra các giải pháp gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc. Đặc biệt, Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các luật liên quan trong tháng 10/2023 như Luật kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai... Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản.

Quỹ đạo hồi phục của thị trường địa ốc đang bắt đầu quay trở lại  - Ảnh 1

Đến thời điểm hiện tại, gói vay 120.000 tỷ đồng đang được kỳ vọng sẽ góp phần tạo niềm tin và giải quyết một số điểm nghẽn về thanh khoản tại các dự án Nhà ở xã hội, góp phần “rã băng” thị trường địa ốc.

Đáng chú ý, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng cũng đang góp phần đẩy nhanh tiến trình đảo chiều của thị trường. Việc giảm lãi suất còn tạo động lực cho các nhà đầu tư mạnh tay xuống tiền.

Với hàng loạt giải pháp gỡ vướng từ chính sách cho tới tài khoá, nhiều nhà đầu tư đã rục rịch xuống tiền mua bất động sản để tích sản. Không còn bức tranh vắng vẻ tại các văn phòng công chứng đất đai như cách đây hơn 3 tháng. Tại Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM cùng nhiều địa phương khác, lượng giao dịch đã bắt đầu tăng trở lại khi một số văn phòng công chứng ghi nhận số lượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gia tăng.

Một báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2023 từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng dự báo rằng thị trường bất động sản trong quý 2/2023 sẽ ghi nhận những điểm sáng từ một số dự án có vị trí thuận lợi, chất lượng bàn giao tốt, được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín.

Cùng với giao dịch gia tăng, nhiều dự án đã được gỡ vướng. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại đã có 12 dự án bất động sản tại TP.HCM được gỡ vướng pháp lý và hỗ trợ cho phép được huy động vốn.

Mới đây, TP.HCM đã gỡ vướng thêm 7 dự án bất động sản của Tập đoàn Novaland và Tập đoàn Hưng Thịnh. Trong đó, Tập đoàn Hưng Thịnh được tháo gỡ pháp lý cho 6 dự án, bao gồm: Moonlight Park View - phần thương mại còn lại (quận Bình Tân), Moonlight Boulevard (quận Bình Tân), 9 View Apartment (TP.Thủ Đức), 8X Đầm Sen (quận Tân Phú), dự án Moonlight Avenue, ở Tp.Thủ Đức và dự án Moonlight Centre Point (quận Bình Tân).

Một dự án của Novaland được gỡ vướng là The Grand Manhattan (quận 1, Tp.HCM) được thi công trở lại sau thời gian tạm ngưng.

Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã tháo gỡ khó khăn cho 4 dự án bất động sản cho phép bán 50% lượng căn hộ trong dự án, cũng cấp ra thị trường khoảng 4.000 - 5.000 căn hộ, giảm áp lực nguồn cung.

 

Kỳ vọng khởi sắc từ quý 2

 

Ngay từ thời điểm tháng 3, nhiều dự án đã bắt đầu khởi động bán hàng. Đơn cử như ở Hà Nội, dự án SOHO @ Heritage West Lake của CapitaLand Development, Moonlight 1 – An Lạc Green Symphony (Hoài Đức) rục rịch mở bán, trong khi đó dự án Masteri Waterfront và Masteri West Heights của Masteries Homes cũng tung ra giỏ hàng mới…

Tại Quảng Ninh, dự án The Dragon Castle ở Hạ Long, dự án Royal Riverside City… cũng bắt đầu chiến dịch bung hàng.

Tại TP.HCM, sự sôi động của thị trường bắt đầu trở lại với kế hoạch làm nóng thị trường của một số chủ đầu tư. Đơn cử như Masterise Homes đang đẩy mạnh bán hàng dự án chung cư Lumière Boulevard.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI), các chủ đầu tư cũng đang lên kế hoạch mở bán dự án từ quý 2/2023, tiếp tục cung cấp các chính sách bán hàng nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh lãi suất cao, hỗ trợ khách hàng vay không lãi suất, hỗ trợ lãi suất 2% - 5%... Ngoài ra, các đơn vị môi giới hoạt động với chiến lược tập trung nguồn lực vào các sản phẩm phù hợp xu hướng, đáp ứng nhu cầu ở thực.

Ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Colliers (Việt Nam) nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận một vài tín hiệu tích cực trong ba tháng đầu năm 2023 khi tình hình lãi suất dần ổn định nhờ nỗ lực của Chính phủ. Điều này cải thiện tâm lý thị trường, đặc biệt với nhà đầu tư trong và ngoài nước có vốn mạnh tận dụng lúc “giao thời” này để đẩy nhanh quá trình thẩm định, đàm phán và giao dịch.

“Trong vài quý tới, thị trường kỳ vọng sẽ chứng kiến các thương vụ đầu tư quy mô lớn. Các phân khúc hồi phục tốt nhất là nhà ở, công nghiệp và bán lẻ, nhờ duy trì sức cầu và tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Xét trên tổng thể, điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một trong những thị trường bất động sản được săn đón nhất trong khu vực nhờ được hậu thuẫn bởi các nền tảng vững chắc”, ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Colliers (Việt Nam) cho hay.

TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, trong quý II/2023 thị trường sẽ có những khởi sắc mới, khi mà nhiều văn bản pháp luật có hiệu lực, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hàng nghìn dự án đang "đắp chiếu" chờ đợi tham gia vào thị trường, cung cấp vào thị trường nguồn cung mới. Nếu thị trường có nhiều hơn nguồn cung sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thật, nhu cầu đầu tư và Chính phủ tiếp tục vào cuộc quyết liệt, ban hành các chính sách trúng vào "điểm nghẽn" thì lãi suất tiếp tục được điều chỉnh hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp thêm dòng tiền.

“Với những tín hiệu tích cực này, thị trường chắc chắn sẽ khởi sắc", ông Nguyễn Văn Đính nói.

Còn ông Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), dự báo hai kịch bản có thể xảy ra. Với kịch bản thứ nhất, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng, chấp nhận một mức lãi suất thấp hơn. Ở kịch bản thứ hai, lãi suất huy động giảm xuống mức 6-7% vào thời điểm cuối năm nay, nguồn tiền có thể quay lại bất động sản.

“Khi dòng tiền quay trở lại thị trường, nhiều người sẽ tìm đến các kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với kênh gửi tiết kiệm. Trong bối cảnh này, nếu nhìn lại quá khứ, thông thường thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trước, sau đó sẽ đến thị trường bất động sản”, ông Khôi cho hay.

Riêng về thị trường bất động sản quý II, ông Khôi cho rằng có thể diễn ra với 3 kịch bản: Kịch bản lý tưởng, kịch bản kỳ vọng và kịch bản thách thức.

Đối với kịch bản lý tưởng, nguồn cung tăng, lãi suất giảm mạnh dưới 10 - 12% thì giá bán sẽ tăng nhẹ, tỷ lệ hấp thụ cao 40 - 50%.

Ở kịch bản kỳ vọng, nguồn cung tăng nhẹ, lãi suất đi ngang từ 12 - 14%, giá bán cũng sẽ đi ngang và tỷ lệ hấp thụ từ 20% - 30%.

Với kịch bản thách thức, nguồn cung tiếp tục giảm 20% - 30%, lãi suất giữ ở mức cao trên 14%, giá bán giảm từ 10% - 20% và tỷ lệ hấp thụ thấp khoảng 10% - 20%.

"Thị trường bất động sản có thể kỳ vọng thời gian phục hồi sớm, dự kiến vào khoảng từ cuối quý III đến đầu quý IV/2023", chuyên gia FERI dự báo.

Tin Cùng Chuyên Mục