Sân bay Điện Biên (tỉnh Điện Biên) được ACV trình phương án đầu tư lên Bộ Giao thông Vận tải gần hai năm qua, sau nhiều lần chỉnh sửa.
Từ phương án khái toán ban đầu là 4787 tỷ đồng, riêng hạng mục khu bay khoảng 1400 tỷ đồng và các hạng mục hàng không dân dụng 1700 tỷ đồng, đến phương án gần nhất, ACV đã rút xuống tổng mức đầu tư mới là 1539 tỷ đồng.
Trong đó, khu vực khu bay xấp xỉ 1000 tỷ đồng và khu hàng không dân dụng là 256 tỷ đồng và một số chi phí khác.
Dự án này được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính ủng hộ. Phía Bộ Giao thông Vận tải nhận định dự án phù hợp với quy hoạch cảng hàng không Việt Nam đến 2025, được tỉnh Điện Biên mong muốn đề xuất để kéo dần khoảng cách giữa Điện Biên với các vùng trên cả nước, thay cho phương án sân bay hiện có đã được đầu tư từ ...1940 đến nay.
Bộ Tài chính cũng ủng hộ dự án nâng cấp nhà ga hiện có từ công suất 300 ngàn lượt khách/năm lên 500 ngàn lượt khách/năm, cải tạo sân đỗ để đón các tàu A320/A321 và ATR 72 (như hiện nay) với tổng mức đầu tư phù hợp.
Lý do là Bộ này cho rằng, hiệu quả dự án sân bay Điện Biện của ACV cần được đặt trong hiệu quả tổng thể của 21 cảng hàng không do ACV quản lý.
Trong đó có nhiều cảng hoạt động có lãi (7 cảng), 14 cảng khác chưa có lãi nhưng hiệu quả của dự án mang tính san sẻ, bù đắp lẫn nhau trong tổng doanh thu và nhất là bao gồm cả hiệu quả an ninh-quốc phòng.
Mặt khác, tổng vốn đầu tư dự kiến không quá lớn so với năng lực của ACV, nơi đang được giao đầu tư giai đoạn I của sân bay Long Thành và giai đoan ba của sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lưu ý ACV cần rà soát để đảm bảo dòng tiền đầu tư trong 5 năm (2021-2025), nhằm cân đối các nhiệm vụ.
Song, cơ quan quản lý vốn trực tiếp của ACV là CMSC lại luôn giữ quan điểm chưa chấp thuận cho ACV rót vốn vào dự án này. Cho dù ACV đề xuất chỉ xây khu bay và khu hàng không dân dụng, phần còn lại do UBND tỉnh Điện Biên đầu tư.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho rằng ACV đang thực hiện hai dự án lớn là sân bay Long Thành và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nên cần đến 136.503 tỷ đồng để thực hiện các dự án.
Tiền mặt tích lũy đến hết năm 2019 của doanh nghiệp khoảng gần 32.000 tỷ, đang giảm theo tác động của dịch bệnh nên nhiều dự án nhỏ hơn sẽ phải cân đối lại.
Điều đáng nói nhất là CMSC luôn lo ngại về hiệu quả tài chính của dự án vì theo đánh giá của CMSC, dự án có tỷ lệ hoàn vốn nội bộ là 3,07% là quá thấp, giá trị hiện tại thuần âm đến 1250 tỷ đồng và thời gian thu hồi vốn sau 50 năm là không khả thi, không đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Mặt khác, ACV chưa làm rõ được sự khác biệt giữa hai phương án đầu tư mà doanh nghiệp trình cũng như việc bỏ vốn với quyền sở hữu, khai thác, thu hồi vốn nên CMSC chưa đồng thuận với đề xuất này.
Như vậy, việc có đầu tư sân bay Điện Biên hay không và nếu đầu tư thì thực hiện theo phương án nào vẫn chưa có hồi kết.
Link bài gốc