Ngày pháp luật

PVOIL: Hơn 800 tỷ đồng có nguy cơ mất trắng?

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) dự kiến đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào Quý IV năm nay. Bức tranh tài chính của PVOIL ra sao?

Theo Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2017 (báo cáo mới nhất được công bố), PVOIL đạt doanh thu nửa đầu năm 2017 gần 28.267 tỷ đồng, tăng 74,23% so với cùng kỳ năm 2016.

Lợi nhuận gộp tăng từ 1.141 tỷ đồng lên 1.231 tỷ đồng (tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016).

PVOIL: Hơn 800 tỷ đồng có nguy cơ mất trắng? - Ảnh 1

Mặc dù lãi hơn 200 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nhưng tính đến cuối quý II/2017, DN này vẫn lỗ lũy kế 1.786 tỷ đồng.    Ảnh Internet     

Lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 của PVOIL đạt 222,3 tỷ đồng, tăng gần 36% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế tăng thêm gần 25% so với cùng kỳ năm 2016, từ 168 tỷ đồng lên 204 tỷ đồng.

PVOIL ăn lên, làm ra trong nửa đầu năm 2017 có sự đóng góp tích cực từ các khách hàng Hong Kong và Singapore .

Báo cáo hợp nhất bán niên năm 2017 của PVOIL cho thấy, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng phát sinh thêm 1.026 tỷ đồng với khách hàng Hypen Energy Pte Ltd, 626 tỷ đồng với BP Singapore, 642 tỷ đồng với Unipec Asia Company Limited và 640 tỷ đồng với Socar Trading Singapore Pte Ltd.

Đáng chú ý, Báo cáo tài chính của PVOIL còn hé lộ giá trị của các khoản nợ khó đòi của doanh nghiệp này lên tới hơn 885 tỷ đồng. Giá trị nợ có thể thu hồi được chỉ vỏn vẹn hơn 40 tỷ đồng.

Một số con nợ lớn của PVOIL là: Công ty CP Dầu khí và chất đốt Miền Bắc 124 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Phát triển xăng dầu Tiên Phong 118 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Phú Lâm 77,8 tỷ đồng, Công ty CP Xăm dầu Quốc tế Việt Nam hơn 70 tỷ đồng. Đây phần lớn là các khoản nợ được công ty đánh giá không có giá trị thu hồi.

PVOIL: Hơn 800 tỷ đồng có nguy cơ mất trắng? - Ảnh 2

Giải trình các khoản nợ xấu trong báo cáo tài chính bán niên đã soát xét của PVOIL . Nguồn: PVOIL

“Đóng băng” gần 300 tỷ đồng trong ngân hàng

Theo báo cáo tài chính của PVOIL, hiện tại DN đang có hơn 10,4 tỷ đồng và 3,7 triệu USD là tiền gửi không kỳ hạn và hơn 265 tỷ đồng là các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng tại Ngân hàng Thương mại Đại dương nay là Ngân hàng TNHH Một thành viên Đại Dương. Đáng chú ý các khoản tiền này bị hạn chế chi trả theo Chỉ thị số 600/2015/CT-TGĐ ngày 13/2/2015 của Ngân hàng Đại Dương về việc tạm dừng cung cấp dịch vụ thanh toán cho các tổ chức kinh tế thuộc Tập đoàn Dầu khí để tiến hành rà soát, thẩm định hồ sơ thanh toán của khách hàng.

Đến nay sau 3 năm khoản tiền xấp xỉ 300 tỷ đồng của PVOIL vẫn bị đóng băng chờ quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến thời điểm 31/6/2017, tổng tài sản của PVOIL đạt 20.823 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, nợ phải trả là 10.305 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tài sản.

Mặc dù lãi hơn 200 tỷ trong 6 tháng đầu năm nhưng tính đến cuối quý II/2017, DN này vẫn lỗ lũy kế 1.786 tỷ đồng.        

Được biết, PVOIL sẽ thực hiện IPO trong quý IV/2017. 20% tổng số cổ phần lưu hành, tương đương 210 triệu cổ phiếu sẽ được chào bán. 44,7% cổ phần cũng sẽ được bán cho đối tác chiến lược. Số cổ phần dành cho đấu giá lần đầu và bán cho đối tác chiến lược sẽ làm giảm quyền sở hữu vốn của Nhà nuớc tại PVOIL xuống còn 35,1%.

Lê Hoàng

Tin Cùng Chuyên Mục