Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 177,10 điểm, tương đương 0,7%, lên mức 26.067,28 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 0,8%, lên 3.169,94 điểm. Đáng chú ý, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng tới 1,4%, lên 10.492,50 điểm, ghi dấu phiên tăng cao kỷ lục thứ tư trong vòng 5 phiên giao dịch vừa qua.
Theo các chuyên gia phân tích, xu hướng làm việc tại nhà gia tăng giữa cuộc khủng hoảng dịch bệnh khiến lĩnh vực công nghệ hưởng lợi. Giá cổ phiếu Apple vọt 2,3% lên mức cao kỷ lục sau khi một chuyên gia phân tích của Deutsche Bank nâng giá mục tiêu của cổ phiếu này. Giá cổ phiếu Microsoft tiến 2,2%, giá cổ phiếu Netflix tăng gần 2%, còn giá cổ phiếu Amazon cộng 2,7%. Lĩnh vực công nghệ của S&P 500 đã kết thúc ngày tăng 1,6% và đạt mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại.
Đà tăng nhẹ ở phiên này diễn ra khi Mỹ báo cáo số ca nhiễm nCoV hàng ngày tăng kỷ lục với 60.000 ca vào thứ Ba. Theo Đại học Johns Hopkin, tổng số ca mắc Covid-19 được xác nhận tại Mỹ hiện lên tới hơn 3 triệu. Trong khi đó, số trường hợp tử vong tại nước này cũng tăng lên hơn 131.000.
Tuy nhiên, bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư vẫn đang xem xét hàng loạt số liệu tích cực, bao gồm số việc làm tăng kỷ lục và lĩnh vực dịch vụ phục hồi trong tháng 6.
Theo Peter Cardillo, giám đốc chiến lược thị trường tại Spartan Capital Securities, New York, giới đầu tư đang “tiếp tục phớt lờ hậu quả từ số ca nhiễm Covid-19 tăng”. “Thị trường đang rơi vào tình trạng bị quá mua. Mặc dù tôi không dự đoán thị trường sẽ lao dốc, song tôi nghĩ nhà đầu tư lúc này đang đùa với lửa”, nhà phân tích thị trường này cho biết thêm.
Một lý do khiến thị trường thêm lạc quan vào cuối phiên là việc chủ tịch Fed St. Louis James Bullard nhận định tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể giảm xuống dưới 8%, “thậm chí là 7%”, vào cuối năm.
Nhà đầu tư hiện cũng đang chờ đợi mùa báo cáo lợi nhuận quý II, dự kiến bắt đầu từ tuần tới. Theo dữ liệu của IBES từ Refinitiv, lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 dự kiến giảm gần 44% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.