Thời gian gần đây, xã hội Việt Nam nổ ra hàng loạt những cuộc tranh cãi về các vấn đề thời sự nóng hổi, tiêu biểu như vụ "sách công nghệ giáo dục", "cải cách Tiếng Việt",....Trên các diễn đàn, mạng xã hội, người ta bắt gặp nhiều ý kiến, bình luận hay, đa chiều, khách quan về vấn đề. Tuy nhiên, không thiếu những bình luận chứa đựng câu từ vô văn hoá, thậm chí mang tính nhục mạ, xúc phạm những người có quan điểm trái ngược với mình.
Từ đó, người ta đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề tranh luận của người Việt, và đặc biệt là văn hoá tranh luận trên mạng xã hội. Phải chăng người Việt khi đã bất đồng quan điểm thì khó tránh khỏi việc "vạ miệng" với nhau?
Mới đây, trên trang Facebook cá nhân được cho là của ông Đỗ Cao Bảo - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, đã chia sẻ quan điểm của mình trên trang cá nhân về "văn hoá chửi".
"Ôi Việt Nam đất nước của tôi, dân tộc của tôi!
Sau mấy vụ chữ Việt, công nghệ giáo dục, sự cố ở bệnh viện..., tôi càng không thể tin nổi đây là Việt Nam đất nước của tôi, dân tộc của tôi. Một đất nước ngàn năm văn hiến có truyền thống tôn sư trọng đạo, kính già, yêu trẻ, một dân tộc sở hữu một ngôn ngữ đẹp và giàu có về thanh điệu, phong phú về biểu tượng và ẩn dụ. Thế mà cứ có một vấn đề xã hội nào cần tranh biện là tràn ngập mạng xã hội các stt, các comment chửi bới"
Ông bày tỏ sự ái ngại khi chứng kiến nhiều bình luận vô văn hoá tới từ chính những người có học, thuộc tầng lớp tri thức trong xã hội.
"Người không có học, không bằng cấp chửi đã đành, người có học, có bằng cấp cũng chửi; Người suốt ngày trong lũy tre làng, không đi đâu ra khỏi biên giới chửi đã đành, người đã từng tây học, đã từng sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài cũng chửi; Nông dân, công nhân, giúp việc nhà chửi đã đành, cử nhân, kỹ sư, tiểu thương, doanh nhân cũng chửi, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà khoa học, thầy thuốc cũng chửi; Người bình thường chửi đã đành, người tự cho mình là dân chủ cũng chửi; Mà họ chửi còn chua ngoa, tục tĩu hơn cả bà nông dân mất gà chửi thẳng trộm gà nửa thế kỷ trước, còn đanh đá, thô tục hơn mấy chị buôn bán ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua chửi nhau thời bao cấp"
Ông Đỗ Cao Bảo: Người Việt cần xem lại "văn hoá chửi" của mình
"Tôi không hiểu tại sao chỉ cần thấy người khác nghĩ không giống mình, tư duy khác lạ một chút là rất nhiều người nhẩy vào chửi là ngu, là dốt, là không có não, là đê tiện, là ngáo đá, là điên, nếu người ấy giàu có một chút thì gán thêm trọc phú. Người liên quan, hay là quan chức bị chửi đã đành, người không liên quan, không quan chức, không bạn facebook cũng bị chửi; Dường như họ chửi để chứng tỏ rằng mình thông minh hơn, thông thái hơn, cao sang hơn và đầy trách nhiệm xã hội hơn.
Khi cơn chửi đã lên thì họ quên hết cả lễ nghĩa, rất nhiều cô cậu thanh niên trẻ chửi ông già đáng tuổi bố, tuổi ông mình là thằng già. Không chỉ văng hết tất cả những bộ phận nhạy cảm nhất của nam và nữ, họ còn rủa thằng này chết đi, sống làm gì, họ chửi thô tục, họ chửi tục tĩu với tất cả sự hằn học và cay độc nhất mà người có văn hoá không thể nào tưởng tượng ra"
Ông cũng cho rằng nếu cứ duy trì lối tranh luận tiêu cực như thế này thì xã hội Việt sẽ bị thụt lùi
"Trong khi chúng ta đang mong muốn được sống trong một xã hội dân chủ, văn minh thì chính việc chửi bới, vùi dập người nghĩ khác mình lại làm cho nền dân chủ càng xa vời, bởi hoá ra ngay chính những người đang vỗ ngực là dân chủ lại là những kẻ độc tài trong tranh biện.
Rất nhiều người tưởng chửi là dễ, thực ra không phải, chửi cũng phải có nghệ thuật. Nghệ thuật chửi là phải nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đưa người bị chửi vào cõi tiên cảnh bồng lai, bồng bềnh bồng bềnh rồi mới cho họ rơi tõm vào một cái chốn đầy mùi thum thủm. Nghệ thuật chửi là phải làm cho người bị chửi thấy đau, thấy tức, mà không thể giận, chứ không phải để họ thấy mình là một kẻ cần phải tránh xa.
Hoá ra chửi không dễ, chửi cũng cần phải học"
Chia sẻ của ông ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm. Nhiều bình luận bày tỏ ý kiến đồng tình với quan điểm trên.
Tài khoản Facebook N.T.M cho rằng: "Đúng vậy, nhiều người không chịu suy xét đúng sai thế nào hơi tý là làm loạn lên, cần phải đọc bài viết này để chín chắn lại"
Đồng tình với quan điểm của ông Đỗ Cao Bảo, tài khoản T.M cho rằng: "Quá đồng tình với bài viết của anh, hầu như không biết tranh luận mà chỉ biết chửi đổng, nguỵ biện. Tuy nhiên ngược lại đa phần những người có cái nhìn chuẩn, khách quan lại không có thời gian lên tiếng anh ạ. Cơ bản mạng xã hội là nơi người ta giải trí nhiều hơn nên dễ dàng đọc thấy việc chửi bới nhiều hơn"
Tổng hợp từ Facebook CaoBao Do