Ngày pháp luật

Phạt đến 2 tỷ đồng nếu vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản

Minh Đức

Đó là một trong những quy định đáng chú ý tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản mà Chính phủ vừa mới ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2020.

Cụ thể, Điều 4 Nghị định quy định, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính theo hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và là 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Đồng thời, có thể tước quyền sử dụng Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 24 tháng.

Phạt đến 2 tỷ đồng nếu vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Nghị định quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung kèm theo hình thức xử phạt hành chính là tước quyền sử dụng Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 24 tháng…

Hoặc đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; Đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 12 tháng; Hoặc tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Người có thẩm quyền lập biên bản và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

Còn các tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản theo Nghị định này bao gồm: 

- Một là, tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện), hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

- Hai là, nhà đầu tư nước ngoài; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;

- Ba là, cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

- Bốn là, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

- Năm là, các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Tin Cùng Chuyên Mục