Hàng tỷ USD đổ vào condotel
Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.
Tại Hội thảo, TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam thừa nhận, lĩnh vực bất động sản du lịch đang gặp rất nhiều vấn đề.
Chia sẻ từ các chuyên gia nước ngoài đã cho thấy, quốc gia họ có diện tích nhỏ nhưng thu hút được rất nhiều khách du lịch, trong khi Việt Nam có diện tích lớn nhưng thu hút chỉ được khoảng 18 triệu khách du lịch mỗi năm.
“Cách đây hai năm, chúng tôi có tham gia vào việc góp ý sửa đổi chính sách đối với condotel. Tuy nhiên, Việt Nam không dùng từ tiếng Anh nên gọi nó là sản phẩm của dịch vụ lưu trú. Tháng 4/2019, chúng tôi có gửi văn bản lên Thủ tướng nhưng vấn đề về định danh cho sản phẩm này vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi đó, cuộc sống vẫn đang diễn ra, hàng tỷ USD vẫn được đổ về thị trường condotel nhưng hành lang pháp lý vẫn chưa rõ ràng”, ông Nam cho hay.
Cũng theo ông Nam, các tranh luận mất nhiều thời gian khiến Việt Nam mất các cơ hội phát triển.
Ông Nam cũng đặt nhiều câu hỏi: “Tại sao một năm người Việt Nam có thể chi ra hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng để mang ra nước ngoài mua bất động sản? Tại sao các quốc gia đều khuyến khích thu hút mua bất động sản của nước họ? Tại sao không có vướng mắc gì cả? Tại sao người nước ngoài lại mua bất động sản ở Việt Nam lại khó như vậy?
Tại sao họ vào Việt Nam xây biệt thự, du lịch, đem dòng khách vào Việt Nam mà chúng ta không khuyến khích? Tôi cho rằng, cần có sự cân bằng lại giữa đưa dòng tiền Việt Nam ra nước ngoài và hút dòng tiền vào bất động sản Việt Nam”.
Theo vị chuyên gia này, một số quốc gia quy định sở hữu bất động sản lên tới 99 năm để thu hút đầu tư nhưng tại sao chúng ta cũng không tăng thời gian sở hữu để thu hút nhà đầu tư nước ngoài?
“Tôi mong muốn, các doanh nghiệp đặt ra các vấn đề cho Nhà nước và đơn vị Nhà nước lắng nghe, tháo gỡ để hoàn thiện chính sách”, ông Nam kỳ vọng.
Condotel vẫn chờ được cởi trói pháp lý
Theo đánh giá của chuyên gia, nhu cầu sở hữu condotel tại thị trường vẫn còn. Việc đưa phân khúc này sôi động trở lại như giai đoạn 2015 - 2019 phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó Việt Nam phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh để phục hồi ngành du lịch và cơ quan quản lý giải quyết những rào cản, vướng mắc về mặt pháp lý, củng cố lại niềm tin của nhà đầu tư.
Đại diện Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản cho biết, hiện nay, bất động sản du lịch chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống quy định khác nhau, từ hoạt động đầu tư, kinh doanh đến việc quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, quy định của pháp luật Đất đai hay pháp luật Kinh doanh bất động sản hiện hành không có các khái niệm riêng cho loại hình bất động sản du lịch, trong đó có condotel, resort villa,… mà chỉ có khái niệm chung, đó là nhà, công trình xây dựng với mục đích thương mại, dịch vụ.
Ông Khởi cho rằng, chỉ có pháp luật về du lịch mới có khái niệm riêng, gọi là cơ sở lưu trú du lịch và phân định thành các loại hình như khách sạn, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch,… Đối chiếu chức năng của loại hình bất động sản mới như condotel, resort villa,… với pháp luật về du lịch thì đây là một trong những loại hình cơ sở lưu trú du lịch và được quản lý sử dụng theo quy định của pháp luật về du lịch.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành không dùng các khái niệm tiếng Anh như đã nêu trên để điều chỉnh.
Còn TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định: “Chúng ta đã nỗ lực hoàn thiện cơ sở pháp lý và phát triển bất động sản rất nhanh. Cơ sở pháp lý là các nhà quản lý tạo ra để có thể quản lý, tuy nhiên, mỗi Bộ lại có luật khác nhau dẫn đến một số mâu thuẫn.
Nếu hậu Covid-19 vẫn không thể cải thiện các vấn đề pháp lý như về các luật chi phối thị trường bất động sản du lịch, về chứng khoán, vốn,… để mọi thứ trôi chảy thì chúng ta sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội để phát triển”.