Ngày pháp luật

Phấn đấu đến năm 2025 diện tích nhà ở đạt 27 m2 sàn/người

Giang Phạm

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 cũng hướng tới việc quy chuẩn nhà ở, phát triển nhà ở xã hội và quản lý việc kinh doanh, môi giới bất động sản.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc vào khoảng 27 m2 sàn/người, trong đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người.

Mục tiêu đến năm 2030, nhà ở kiên cố trên toàn quốc phấn đấu đạt 85-90%, trong đó khu vực đô thị đạt 100%, nông thôn là 75-80%. 
Mục tiêu đến năm 2030, nhà ở kiên cố trên toàn quốc phấn đấu đạt 85-90%, trong đó khu vực đô thị đạt 100%, nông thôn là 75-80%. 

Đến năm 2030, nhà ở kiên cố trên toàn quốc phấn đấu đạt 85-90%, trong đó khu vực đô thị đạt 100%, nông thôn là 75-80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên toàn quốc đặc biệt là khu vực đô thị. Ngoài ra 90% nhà ở trên toàn quốc có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Với nhà ở hiện hữu, chiến lược thúc đẩy việc áp dụng quy chuẩn khi cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ và nhà chung cư theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Nhà ở xã hội được đẩy mạnh phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang thông qua điều chỉnh, bổ sung chính sách nhằm tăng nguồn cung, kết hợp hỗ trợ khả năng thanh toán. 

Các dự án cần có vị trí, quy mô gắn với khu vực tập trung nhiều đối tượng có nhu cầu, đảm bảo công bằng và tăng khả năng tiếp cận hạ tầng đồng bộ và các dịch vụ xã hội thiết yếu.

Một trong những lưu ý quan trọng trong quá trình phát triển nhà ở xã hội là quan tâm giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho công nhân gắn với khu vực sản xuất, bảo đảm đáp ứng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu nhằm tạo chỗ ở ổn định, nâng cao đời sống để công nhân an tâm lao động sản xuất, góp phần an sinh xã hội.

Chiến lược đề ra giải pháp phát triển thị trường bất động sản, bao gồm nghiên cứu sửa đổi pháp luật, chính sách kinh doanh bất động sản nói chung và chính sách liên quan đến giao dịch, kinh doanh nhà ở, dự án nói riêng.

Mục tiêu là hướng tới điều tiết để bình ổn và đảm bảo sự ổn định, lành mạnh của thị trường, tạo cơ sở để cơ quan nhà nước các cấp có thể chủ động đề xuất, thực hiện kịp thời các giải pháp cụ thể để bình ổn, điều chỉnh thị trường khi rơi vào trạng thái bất ổn, đóng băng...  

Nghiên cứu sửa đổi pháp luật kinh doanh bất động sản để hoàn thiện chính sách kinh doanh bất động sản nói chung và chính sách liên quan đến giao dịch, kinh doanh nhà ở, dự án nhà ở nói riêng bao gồm: kinh doanh nhà ở có sẵn, kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở, chuyển nhượng dự án, một phần dự án nhà ở...

Bên cạnh đó, giới chức trách cũng hướng tới việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở từ bước lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, đầu tư xây dựng dự án, cấp giấy chứng nhận sở hữu... Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thực hiện chuyển đổi số các thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng nhà ở hộ gia đình, riêng lẻ nhằm tăng cường sự tham gia người dân. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, thực hiện cải cách hành chính tại cấp trung ương và địa phương.

Tin Cùng Chuyên Mục