Mở đầu phiên giao dịch sáng 16/11, VN-Index tiếp tục giảm hơn 30 điểm, tương ứng với hơn 3% xuống 880 điểm. Trước đó, phiên 15/11, VN-Index giảm 3,1% và đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm điểm mạnh nhất châu Á. Bối cảnh hiện tại của thị trường hoàn toàn khác biệt so với tất cả các thị trường hiện tại bởi phần lớn các thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều đã hồi phục tương đối tốt thời gian gần đây.
Câu chuyện không nằm ở việc lạm phát, tăng lãi suất… mà nằm ở những biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và những vụ án liên quan đến sai phạm của các doanh nghiệp.
Mới đây nhất, việc bán giải chấp nhóm cổ phiếu bất động sản của lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy bắt đầu diễn ra mạnh từ tuần trước đã lan sang các nhóm ngành khác mà dẫn đầu là khối ngân hàng trong tuần này. Những thông tin về giải pháp cứu thanh khoản cho nhóm doanh nghiệp bất động sản bắt đầu được hé lộ không mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho nhà đầu tư.
Đi kèm với các thông tin có lợi cho thị trường chứng khoán thì bất ngờ, sau 10h30 phiên sáng nay, lệnh mua ồ ạt được tung vào thị trường kéo chỉ số VN-Index tăng 50 điểm, từ ngưỡng 873 điểm vọt lên mức trên 922 điểm. Thậm chí nhiều mã chuyển từ mức bán tháo giá sàn quay vọt lên giá xanh hoặc tăng trần. Đà bật cực mạnh và hiếm khi xảy ra đã chứng tỏ nguyên tắc giảm càng sâu thì bật càng mạnh của chứng khoán, tất nhiên, để bắt kịp thời điểm này là không dễ.
Diễn biến tăng điểm đột ngột của thị trường khiến chứng khoán bớt màu tiêu cực, tuy nhiên khó khăn vẫn còn phía trước nếu thanh khoản cho doanh nghiệp và thị trường không được cởi trói!
Diễn biến chi tiết phiên giao dịch sáng, áp lực bán giải chấp khiến thị trường mở của trong u ám, nhóm bất động sản với PDR, NVL, DIG tiếp tục gặp tình trạng dư bán sàn lên tới hàng chục triệu đơn vị, trong đó PDR có lúc lên tới gần 100 triệu đơn vị. Thậm chí, trong phiên sáng nay, HPX còn không có lệnh mua khiến lượng tháo chạy giá sàn hơn 18 triệu không ai bán được.
Việc giải chấp ở các mã bất động sản không có người mua, nhiều mã tốt khác cũng bị vạ lây vì bị giải chấp chéo, nên cũng đồng loạt giảm sàn, từ bán lẻ, phân bón, đến dầu khí, chứng khoán, thậm chí là cả ngân hàng, thủy sản, điện…
Các mã chứng khoán tuy có lực cầu vẫn được đem ra bán, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh bất chấp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào.
Với việc lệnh bán giải chấp bằng mọi giá này vô hình trung càng khiến cho việc bán ra khó khăn hơn, đồng thời đẩy mức giá xuống thấp hơn, tạo ra hiệu ứng domino trên toàn thị trường.
Sau 10h30, lệnh mua đồng loạt được đưa vào thị trường khiến số mã tăng điểm đã được cải thiện mạnh, từ hơn 30 mã xanh đã lên tới 200 mã tăng điểm gần cuối phiên giao dịch. Tuy nhiên khi VN-Index vượt trở lại ngưỡng 500 điểm, đà tăng đã chững lại và không thể duy trì được nhịp hưng phấn trước đó.
Nhóm ngân hàng lấy lại sự tự tin, nhưng nhóm bất động sản vẫn chưa khởi sắc, NVL và PDR vẫn dư bán giá sàn với hàng chục triệu cổ phiếu.
Sau khi rơi xuống dưới 875 điểm, lực cầu bắt đáy đã hoạt động mạnh, kéo nhiều cổ phiếu thoát giá sàn và thu hẹp đáng kể đà giảm ở nhiều bluechip đã giúp VN-Index leo dần lên 885 điểm, và tại ngưỡng điểm này, lực mua ồ ạt kéo thêm nhiều cổ phiếu tăng mạnh, thậm chí không ít đã tăng kịch trần.
Đà hưng phấn thúc đẩy VN-Index có nhịp tăng vọt lên trên tham chiếu và vượt 920 điểm, tương đương gần 50 điểm so với mức đáy trong phiên khi bảng điện tử đã cân bằng mạnh mẽ. Dù vậy, đà tăng đã chững lại sau đó và VN-Index gần như giằng co quanh ngưỡng 915 điểm khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 219 mã tăng và 216 mã giảm (45 mã giảm sàn), VN-Index tăng 8,01 điểm (+0,88%), lên 919,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 665,4 triệu đơn vị, giá trị 8.397,7 tỷ đồng, tăng tơi hơn 90% về khối lượng và 77% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 28,6 triệu đơn vị, giá trị 542,8 tỷ đồng.
Các trụ cột của thị trường trong rổ VN30 có thời điểm 13 mã nằm sàn, nhưng chỉ còn NVL và PDR vẫn chịu sức ép này, với lượng dư bán sàn 49,4 triệu và 95,5 triệu đơn vị, còn lại đều đã thu hẹp đà giảm, thậm chí khi kết phiên có 22 mã tăng.
Trong đó, hai cổ phiếu HPG và GVR đều tăng trần lên 13.350 đồng và 10.700 đồng, với GVR leo lên từ giá sàn. Khớp lệnh HPG cao nhất nhóm với 29,8 triệu đơn vị.
Các mã tăng mạnh khác còn có VRE +6,2% lên 26.500 đồng, ACB +5,5% lên 20.150 đồng, STB +5% lên 15.850 đồng. Điểm chung của ba cổ phiếu này là đều đã có lúc chạm giá trần.
Tăng tốt khác còn phải kể đến SSI +5% lên 14.600 đồng, VIC +4,7% lên 59.700 đồng, GAS +3,9% lên 115.800 đồng, VIB +3,8% lên 17.650 đồng, BID +3,3% lên 34.500 đồng.
Các cổ phiếu CTG, BVH, TPB, FPT, VHM, MBB nhích từ 1,7% đến 2,8%. Các sắc xanh khác còn tại VJC, HDB, MSN, VNM, VPB, TCB, dù mức tăng khiêm tốn.
Giảm điểm ngoài PDR và NVL thì MWG, VCB, KDH, POW, SAB, PLX, với mức giảm đều được thu hẹp đáng kể, chỉ còn mất từ 1,2% đến 2,2%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số cổ phiếu được kéo mạnh từ sắc đỏ, thậm chí là từ giá sàn lên mức giá trần đáng chú ý có BIC, GIL, HCM, TNI, APC, APG, ITC, HAG và cặp đôi thép HSG và NKG.
Nhiều cổ phiếu có mức tăng mạnh ở nhiều nhóm ngành như bất động sản, nguyên vật liệu, tiện ích, công ty chứng khoán như IJC, TLH, ITA, VIX, FTS, NTL, SCR, QCG, HNG, CKG, với mức tăng từ hơn 4% đến 6%.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vẫn nằm sàn, với không ít là các cổ phiếu bất động sản như DRH, HPX, NBB, SAM, DHC, VPI, cùng BCG, KPF, ABS, ACG và cổ phiếu ngân hàng EIC góp mặt.
Ở những nơi khác, nhiều cổ phiếu thoát được giá sàn, như DIG -4% xuống 9.700 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 34,7 triệu đơn vị, PVD -5,9% xuống 12.000 đồng, ASM chỉ còn -2,9%, VCI -0,6%, DGC vẫn giảm mạnh -6,5%, HBC -4,3%, CII -2,8%, HHV -4,5%...Thanh khoản nhóm này thuộc top cao nhất thị trường với khối lượng khớp lệnh từ 4,73 triệu đến gần 13 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, đà hồi phục cũng diễn ra mạnh mẽ khi HNX-Index chạm đáy sau nửa đầu phiên, nhưng chỉ số này không may mắn xanh như VN-Index, khi chớm chạm gần tham chiếu đã bị đẩy ngược lại đôi chút khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 66 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index giảm 1,23 điểm (-0,7%), xuống 174,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 74,1 triệu đơn vị, giá trị 786,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2 triệu đơn vị, giá trị 19,4 tỷ đồng.
Các cổ phiếu đa số đã thoát giá sàn trên HNX, thậm chí một số có mã đã có lúc chạm giá trần như SHS, CEO, MBS, BII, AMV, KVC, LAS, trước khi thu hẹp đà tăng khi kết phiên. Theo đó, SHS còn +5,6% lên 5.700 đồng, CEO +4,9% lên 8.500 đồng, MBS +5,6% lên 9.500 đồng, còn lại đều về tham chiếu.
Tăng điểm khác còn có TNG, PVL, PVG khi đều giữ được sắc tím cho đến khi kết phiên, TIG +6% lên 6.300 đồng, APS +4,8% lên 4.400 đồng, IDJ +2,3% lên 4.500 đồng.
Trái lại, PVS, IDC, PVC, HUT vẫn giảm, khá mạnh từ khoảng 2,8% đến hơn 5,5%.
Thanh khoản phiên này SHS cao nhất sàn với 12,5 triệu đơn vị khớp lệnh, PVS khớp 11,1 triệu đơn vị, CEO khớp 9,57 triệu đơn vị, IDC khớp 9,56 triệu đơn vị…
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã phục hồi mạnh sau khi chạm mức đáy ở giữa phiên và kết phiên chỉ còn giảm nhẹ.
Các cổ phiếu cũng đã thoát giá sàn rất nhiều và vươn lên tăng điểm không ít như VHG và FTM còn tăng trần.
Các mã BSR, SBS, ABB, TCI, VGT, C4G, LCM, PFL, PXS đều tăng khá, với BSR +2,6% lên 11.900 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 16,18 triệu đơn vị.
Trong khi đó, TCI tăng mạnh nhất +11,8% lên 5.700 đồng, khớp 1,13 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,03%), xuống 63,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,2 triệu đơn vị, giá trị 321,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,36 triệu đơn vị, giá trị 24,6 tỷ đồng.