Hầu hết các kênh tài sản đều tăng trong năm 2020
Một loạt các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, Bitcoin đều đã hồi phục rất mạnh trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Đào Phúc Tường, nguyên Giám đốc đầu tư quỹ APS Singapore, hồi tưởng lại thời điểm Covid-19 bùng phát, nhà đầu từ đều rất thận trọng và chưa biết kinh tế vĩ mô đi đâu về đâu.
Lãi suất thấp đã khiến nhà đầu tư nóng vội đi tìm các kênh đầu tư thay thế và có cú lội ngược dòng của thị trường chứng khoán không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới. Lần này, điểm đáng chú ý là thị trường có sự tham gia của nhà đầu tư nhỏ lẻ, yếu tố rất lớn tác động tới tăng trưởng của thị trường vừa qua.
Thị trường hàng hóa tăng là hệ quả của thị trường Trung Quốc sau 5 năm giảm nguồn cung và sau 3 năm chú trọng yếu tố môi trường. Cộng với đó là biến số Covid-19 và thiên tai. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tất cả các lại tài sản cùng tăng. Trong quá khứ khi một tài sản tăng thì sẽ có bù trừ dẫn đến biến động của tài sản khác.
Ông Hoàng Công Tuấn, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô MBS, cho biết thêm tiền luôn cân bằng các loại hàng hóa. Khi lãi suất siêu thấp sẽ dẫn đến giá cả các loại tài sản tăng. Bất động sản tại Mỹ cũng tăng rất mạnh trên 15% cùng kỳ năm trước.
Nhà đầu tư sẽ cần quan sát kỹ động thái của các ngân hàng trung ương trong 2021 đặc biệt khi xuất hiện các dấu hiệu bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Kênh đầu tư chứng khoán liệu còn hấp hẫn khi định giá P/E đã lên 16 lần?
Theo đánh giá của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường MBS, kênh chứng khoán vẫn đầy lạc quan trong năm 2021 tuy nhiên vấn đề vẫn luôn là lựa chọn cổ phiếu nào.
Chuyên gia này chia sẻ kinh tế toàn cầu đang phục hồi và Việt Nam đã phục hồi hình chữ V giúp trở thành là điểm sáng của khu vực. Thị trường sẽ có cơ hội đón dòng tiền ngoại trở lại trong 2021. Hiện dòng tiền ngoại đang đặc biệt ưu ái các cổ phiếu trong VN Diamond thông qua việc giải ngân vào Quỹ ETF VFMVN DIAMOND (FUEVFVND).
Trong khi đó, xu hướng nhà đầu tư cá nhân quyết định dòng tiền vẫn sẽ là chủ đạo trong năm 2021.
Cú hích chính sách cũng sẽ giúp thị trường thêm sôi động khi tới đây Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) hạ tỷ lệ ký quỹ về 0% cùng với đó là giao dịch T0 để đáp ứng yêu cầu nâng hạng. Các thị trường như Ả Rập Saudi hay Kuwait đều tăng mạnh 30-50% trước khi được nâng hạng nhờ thực hiện các cải cách này. Quy mô giao dịch thị trường Việt Nam có thể chứng kiến thanh khoản tăng gấp 2-3 lần hiện tại.
So sánh với các kênh vàng và ngoại tệ, ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment (PIF), cho rằng chứng khoán và bất động sản sẽ là 2 kênh có ưu thế hơn do thị trường ngoại hối đang được duy trì ổn định còn vàng chỉ được nhà đầu tư tìm đến trong giai đoạn bất ổn thay vì giai đoạn hồi phục.
Với mức định giá 16 lần như hiện tại, ông Đào Phúc Tường cho rằng đây vẫn là mức chấp nhận được cho việc đầu tư. Điểm cần phải lưu ý là thị trường sẽ mẫn cảm với chuyện bơm tiền. Nếu kinh tế không tăng trở lại, thị trưởng được chuyển trạng thái sang điều chỉnh mạnh (derating).
Trong năm 2021, ông Tường cho rằng, nhà đầu tư sẽ coi trọng hơn chất lượng tăng trưởng của doanh nghiệp bởi các yếu tố như lãi suất và kỳ vọng tăng trưởng đều đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.
Link bài gốc