Truyền thuyết về hang ổ của hổ và Thượng sư Liên Hoa Sinh
Theo truyền thuyết của người Bhutan, vào thế kỷ thứ 8 Thượng sư Liên Hoa Sinh đã cưỡi trên lưng một hổ đang rực lửa từ Tây Tạng đến đền Paro Taktsang và ngồi thiền tại nơi này trong trong 3 năm 3 tháng 3 tuần 3 ngày 3 giờ. Ngài Liên Hoa Sinh (Padmakāra) là người truyền Phật giáo Mật Tông vào Bhutan và Tây Tạng trong những năm 700 TCN.
Cái tên “Taktsang” trong tiếng Bhutan có nghĩa là "Hang Hổ" và được bắt nguồn khi người dân địa phương bắt gặp một con hổ cái trú ngụ trong một trong những hang động. Người dân Bhutan cho rằng, khi đó Thượng sư Liên Hoa Sinh đã hóa thân thành ngọn lửa Dorje Drolo (một trong tám hình tượng của ông) và con hổ chính là người vợ Yeshe Tsogyal của ông, hóa thân để bảo vệ và khuất phục những linh hồn quỷ dữ tại đây.
Người ta tin rằng, Thượng sư Liên Hoa Sinh đã thiền định trong hang động trên núi trong 3 năm, 3 tháng, 3 tuần, 3 ngày và 3 giờ. Sau khi hoàn thành thiền định, thượng sư Liên Hoa Sinh đã hàng phục 8 loại linh hồn ma quỷ và cải đạo người Bhutan sang Phật giáo.
Ngày nay, ngài được xem là linh thiêng giống như chính Đức Phật và được coi là vị Phật thứ hai và là thần hộ mệnh của Bhutan.
Những người theo ông tin rằng Thượng sư Liên Hoa Sinh vẫn còn sống và đang hoạt động nhưng ở một hình dạng khác.
Tu viện Paro Taktsang được xây dựng xung quanh động Taktsang Senge Samdup, nơi được cho là ngài Liên Hoa Sinh đã tọa thiền lúc ngài đến tịnh tu tại Paro Taktsang.
Năm 853, Langchen Pelkyi Singye đến hang động để Thiền định và đặt tên Pelphug của mình cho hang động - “hang Pelkyi’s”. Sau khi qua đời ở Nepal, thi thể của Thầy Pelkyi được cho là đã được đưa trở lại tu viện một cách thần kỳ nhờ ân sủng của Vị thần Dorje Legpa.
Từ thế kỷ 11, nhiều vị Thánh Tây tạng và các nhân vật nổi tiếng đã đến nơi đây để Thiền định, trong số đó là Ngài Milarepa - bậc thầy nổi tiếng của Phật giáo vùng Himalaya.
Từ thế kỷ thứ 12 - 17 nhiều vị Lạt Ma đến từ Tây Tạng đã thành lập các tu viện ở Bhutan. Khu bảo tồn đầu tiên được xây dựng trong khu vực có từ thế kỷ 14 khi Sonam Gyeltshen, một Lạt ma Nyingmapa của nhánh Kathogpa đến từ Tây tạng.
Những nẻo đường đến Paro Taktsang
Tu viện Paro Taktsang nằm cách thị trấn Paro khoảng 10 km về phía bắc Paro và nằm cheo leo treo trên một vách đá ở độ cao 3.120m so với mực nước biển. Các sườn đá rất dốc (gần như thẳng đứng) và các đền thờ của tu viện được xây dựng vào mặt đá.
Mặc dù trông có vẻ khá hiểm trở nhưng du khách có thể tới thăm quần thể tu viện từ nhiều hướng. Ví như từ phía Tây bắc có một con đường xuyên qua khu rừng, từ phía Nam có một con đường được các tín đồ thường xuyên sử dụng. Và từ phía Bắc, du khách sẽ đi qua một cao nguyên đá, dọc đường du khách dễ dàng bắt gặp rất nhiều dây cờ phướn sắc màu sặc sỡ, bên trên in những lời kinh cầu nguyện, những cây thần chú và cả những lời cầu phúc bình an của các Phật tử đã ghé thăm nơi đây.
Trên con đường đến tu viện, có một chùa nhỏ và một ngôi đền của Urgyan Tsemo, giống như tu viện chính, nằm trên một cao nguyên đá. Từ vị trí này, quần thể tu viện hiện ra trước mắt trên cao và nơi đây được biết đến với cái tên “Thiên đường núi màu đồng của Đức Liên Hoa Sinh”. Đây là điểm dừng chân dọc đường cho du khách.
Khi đến điểm dừng chân “Điểm nhìn ra Hang Hổ” mọi người sẽ được chiêm ngưỡng Paro Taktsang vô cùng hùng vĩ và linh thiêng. Khi sắp đến gần quần thể tu viện, du khách sẽ thấy một thác nước lớn chảy từ trên cao với độ cao 60m. Kế bên thác nước là hang động của Đức Bà Yeshe Togyal được cho là đã thiền định cùng với Thượng sư Liên Hoa Sinh.
Kiến trúc tu viện Paro Taktsang gồm 4 ngôi đền chính và khu để ở. Mỗi tòa nhà đều có ban công hướng ra phía thung lũng Paro và các tòa nhà được nối với nhau bằng cầu thang đá và một số cây cầu gỗ.
Có 8 hang động, bốn trong số đó có thể vào được thông qua một lối đi hẹp, trong hang động cúng bái 12 vị Bồ Tát trên tường cũng có nhiều bộ tranh vẽ cùng những vật phẩm cúng lễ khác.
Trong mọi nơi tại tu viện, du khách cũng có thể bắt gặp nhiều loại tranh vẽ khác nhau, cùng một bộ kinh thiêng liêng được cất trong phòng nhỏ kế bên. Cuốn kinh này được in với bụi vàng và bột xương nghiền nát của một vị Lạt Ma nên đối với người Bhutan có ý nghĩa rất quan trọng và vô cùng linh thiêng.
Tại tầng cao nhất trong tu viện là ngôi đền đặt đức phù điêu của Đức Phật, ngoài ra còn chứa những lịch sử về những nhà sư đã đến đây tu tập và thường lưu lại đây trong suốt khoảng thời gian 3 năm 3 tháng 3 ngày.
Bước vào trong tu viện, du khách sẽ thấy trước các gian thời được bố trí những hàng đèn dầu ngay ngắn, tại những tu viện ở Bhutan người ta có thể dùng bơ Yak để làm chất đốt thay cho loại dầu hỏa thông thường.
Ngoài ra, những bức tranh Thangka về ngài Liên Hoa Sinh tu hành, những vi Phật, Bồ Tát còn có các vị thần trong văn hóa Bhutan được bài trí tôn kính và vô cùng sống động. Người Bhutan cho rằng, họ sẽ được độ trì bởi các vị thần bảo hộ với phép nhiệm màu để vượt qua mọi khổ nan, thử thách trong cuộc sống.
Bhutan được kết nối sâu sắc với môi trường tự nhiên xung quanh và mọi di sản của nó dường như bắt nguồn từ tâm linh cổ xưa. Tu viện Paro Taktsang là một ví dụ hiện đại về lịch sử tâm linh này cũng như mối liên hệ mạnh mẽ của người Bhutan với Phật giáo.