Ngày pháp luật

Ông Phạm Nhật Vượng kể chuyện thất bại thời sinh viên

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Trong bài phỏng vấn hồi đầu năm 2019 cùng báo Tuổi Trẻ, vị chủ tịch nhà "Vin" bồi hồi nhớ lại một thời khó khăn, buôn bán thua lỗ.

Trước khi trở về Việt Nam vào đầu những năm 2000, ông Phạm Nhật Vượng - lúc đó chưa phải là một tỷ phú USD, đã có khoảng thời gian học tập và kinh doanh tại Nga và Ukraine. Ở nơi đất khách quê người, ông Vượng mạnh dạn dấn thân vào thương trường khi còn đang là một sinh viên năm thứ ba đại học.

Nhưng trái với suy nghĩ của nhiều người, thương vụ làm ăn đầu đời của ông Vượng không suôn sẻ như những gì VinGroup hay VinFast đã làm được. Trong bài phỏng vấn hồi đầu năm 2019 cùng báo Tuổi Trẻ, vị chủ tịch nhà "Vin" bồi hồi nhớ lại một thời khó khăn, buôn bán thua lỗ:

"Ở Matxcova, tại Dom 5, mình cũng đi thuê một cái phòng để bán hàng nhưng buôn bán kém, cứ càng buôn càng lỗ. Sau đó mới mở cái nhà hàng tại Dom ấy luôn.

Sau đó, ông Vượng nắm bắt được nhu cầu thị trường về sản phẩm áo gió, và quyết định xoay sang buôn bán mặt hàng này. Thời gian đầu, mọi chuyện tưởng như rất suôn sẻ, làm ăn có lãi lớn. Nhưng sau đó thời kỳ khủng hoảng bắt đầu:

Ông Phạm Nhật Vượng kể chuyện thất bại thời sinh viên - Ảnh 1
Ảnh: Forbes

"Đến đoạn sau thì nhập hàng từ Việt Nam sang. Hồi ấy buôn áo gió là đỉnh điểm, ban đầu kiếm được nhiều tiền lắm. Nhưng cuối cùng cũng lại mất sạch. Phá sản luôn ấy. Vì khi thị trường đi xuống mình phản ứng không đúng và không kịp."

Do chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó với thị trường, ông Vượng mất sạch vốn liếng tích luỹ:

"Sinh viên đã có kinh nghiệm gì đâu nên mới bị phá sản. Khi rời Matxcova đi xuống Kharkov vẫn còn nợ 40.000 USD."

Đặt chân tới thành phố Kharkov, ông và vợ chỉ có trong tay vỏn vẹn vài nghìn USD vay từ bạn bè. Không có nhiều tiền trong tay, ông Vượng đã quyết định mở một nhà hàng. 

“Đồ ăn ngon, giá cả phải chăng và hợp túi tiền, nhà hàng của ông Vượng đã nhanh chóng phát triển và trở nên nổi tiếng với không chỉ người dân Kharkov mà với cả những du khách tới thành phố”, cựu thị trưởng thành phố Mikhail Pilipchuk vẫn còn nhớ rõ. 

Việc làm ăn ngày càng thuận lợi với việc ông Vượng chuyển sang kinh doanh mỳ ăn liền, có tên Mivina. Thành công tới mức sản phẩm này trở nên nổi tiếng và được đón nhận trên toàn lãnh thổ Ukraine.

Ngoài Ukraine, thương hiệu mì ăn liền Mivina của ông Vượng còn được bán rộng rãi tại 30 quốc gia trên toàn thế giới như Estonia, Litva, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel...

Từ sản phẩm đầu tiên là mì ăn liền, nhà máy của ông Vượng bắt đầu sản xuất thêm mặt hàng mới là khoai tây nghiền. Các nhà máy "vệ tinh" sản xuất các mặt hàng từ gia vị cho tới bao bì sản phẩm... lần lượt được đưa vào hoạt động. Công ty Technocom cũng ra đời từ đó.

Và Techocom chính là tiền thân của đế chế Vingroup bây giờ. Hiện tại, Vingroup là tập đoàn đa ngành lớn mạnh bậc nhất Việt Nam. Từ giữa năm 2018, Vingroup đã công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó Công nghệ chiếm tỷ trọng chính.

Các lĩnh vực tập đoàn này đang đầu tư trải dài từ bán lẻ, du lịch, y tế, giáo dục, công nghiệp ô tô, bất động sản,...và rất có thể họ vẫn còn muốn chinh phục nhiều đỉnh cao mới.

Khoản nợ thời sinh viên đã cho ông Vượng một bài học xương máu về kinh doanh, rồi từ đó vươn lên và trở thành một tỷ phú USD. Hiện tại, tài sản của ông được Forbes ghi nhận đạt mức 8,1 tỷ USD, đứng thứ 239 thế giới. 

Tin Cùng Chuyên Mục