Tỷ phú Lee Hae-jin của Naver - công ty internet lớn nhất Hàn Quốc tính theo giá trị vốn hóa thị trường, đã đồng ý mua lại nền tảng thương mại điện tử thời trang Mỹ Poshmark với giá 1,2 tỷ USD
Trong thỏa thuận này, Naver sẽ mua tất cả cổ phiếu của Poshmark với giá 17,90 USD tiền mặt, cao hơn 15% so với giá cổ phiếu đóng cửa một ngày trước đó - nhưng chưa bằng một nửa giá IPO tháng 1 năm ngoái là 42 USD/ cổ phiếu.
Poshmark sẽ trở thành một công ty con độc lập của Naver và vẫn giữ nguyên đội ngũ quản lý hiện tại, do người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Manish Chandra dẫn đầu.
Choi Soo-yeon, Giám đốc điều hành Naver, cho biết:
“Việc sáp nhập Naver và Poshmark ngay lập tức sẽ đưa chúng tôi đi đầu trong việc tạo ra trải nghiệm mua sắm mới, nâng cao trách nhiệm xã hội và tính bền vững được thiết kết dựa trên những người bán ở mọi quy mô và sở thích”.
Được thành lập vào năm 1999 bởi Lee và Kim Jung-ho (cả hai đều là cựu kỹ sư Samsung), Naver có trụ sở tại Seongnam sở hữu công cụ tìm kiếm lớn nhất Hàn Quốc, cũng có tên là Naver và nền tảng nhắn tin Line.
Trong quý 2 năm nay, tập đoàn báo cáo doanh thu hoạt động 2.000 tỷ won (~ 1,4 tỷ USD), tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Thương mại điện tử đóng một vai trò ngày càng lớn trong tăng trưởng của Naver, đóng góp 440 tỷ won trong cùng kỳ và tăng 20% so với năm trước.
Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đang tìm cách nâng cao chỗ đứng tại Mỹ để tạo bàn đạp mở rộng ra quốc tế. Các tài sản Naver sở hữu bên ngoài Hàn Quốc bao gồm Webtoon (trụ sở tại Los Angeles), Webtoon Entertainment và Wattpad (trụ sở tại Toronto).
Poshmark là thương vụ lớn nhất cho đến nay mà Choi Soo-yeon (41 tuổi) thực hiện. Vào tháng 3 năm nay, bà trở thành người trẻ nhất và là người phụ nữ đầu tiên nắm quyền lãnh đạo Naver.
Vào tháng 5, Choi thông báo rằng Naver đặt mục tiêu xây dựng “hệ sinh thái kinh doanh toàn cầu” trên khắp Nhật Bản, Bắc Mỹ và Châu Âu trong vòng 5 năm tới, nhằm tăng gấp đôi doanh thu hàng năm lên 12,2 tỷ USD và đạt 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
Công ty cho biết hiện có trung bình 700 triệu người dùng, xếp trên các đối thủ cạnh tranh như Kakao, công ty đứng sau ứng dụng nhắn tin KakaoTalk nổi tiếng.
Với sự hỗ trợ từ Naver, Poshmark sẽ theo đuổi chiến lược mở rộng ra quốc tế trong trung hạn, bao gồm cả các thị trường phát triển khác ở Châu Á. Được thành lập vào năm 2011, ứng dụng và trang web của Poshmark cho phép người dùng liệt kê các mặt hàng quần áo cũ hoặc quần áo mới để bán.
Đổi lại, Poshmark thu được 20% từ bất kỳ giao dịch nào trên 15 USD. Tương tự các nền tảng bán lại khác như Depop và Mercari, nền tảng này hỗ trợ nhắn tin giữa người dùng, cùng với “lượt thích” và nhận xét về các mặt hàng.